Tại sao chưa xác định vị trí cháu bé?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giám đốc một công ty trong ngành xây dựng lâu năm ở Cần Thơ cho rằng, đầu tiên phải xác định được vị trí của cháu bé trong ống trụ là điểm nào.

Giám đốc một công ty trong ngành xây dựng lâu năm ở Cần Thơ cho rằng, đầu tiên phải xác định được vị trí của cháu bé trong ống trụ là điểm nào, ống trụ sâu hơn 30 mét nhưng chưa biết chắc cháu bé ở vị trí nào. Khi xác định được vị trí, mới đào đất xung quanh xuống dần, đào tới đâu sẽ cắt ống trụ tới đó, nhưng phải đảm bảo không để đất cát rơi vào ống trụ. Việc này đòi hỏi kỹ thuật, phương tiện…, ở địa phương khó thực hiện, một trong các đơn vị có thể thực hiện là bộ đội công binh.

Lãnh đạo một công ty từng thi công công trình cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng, phương pháp khả thi nhất là nhổ cọc. “Tuy nhiên, phải có cẩu lớn, và phải hai cẩu mới có thể nhổ thành công. Và điều kiện cần là điểm nối giữa của trụ phải đảm bảo độ chắc chắn mới chịu nổi lực nhổ lên. Và phải làm nhão kết cấu xung quanh cọc trụ bê tông mới có thể nhổ được”, vị này nói.

Theo vị này, các đơn vị khắc phục sự cố đang triển khai là hợp lý và khả thi nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác định được vị trí của cháu bé đang ở đâu trong trụ bê tông. Việc này sử dụng camera làm được, tôi cũng hơi khó hiểu là tại sao không đem camera xuống để xác định vị trí cháu bé, chúng tôi từng thi công trụ sâu 50 mét và đã làm để thăm dò…”, vị này nói và cho rằng giải pháp đào đất xung quanh sẽ tốn thời gian và phương tiện hơn.

Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 31/12/2022, nhóm trẻ từ 10 - 12 tuổi ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) vào công trình thi công cầu Rọc Sen thuộc tuyến đường ĐT-857 trên địa bàn ấp 2, xã Phú Lợi để nhặt phế liệu. Đến khoảng 11 giờ 50 phút, trong lúc chơi, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) bị lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25cm đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.

Khoảng 30 phút sau, lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường triển khai nhiều phương án cứu hộ. Lực lượng đã dùng nhiều phương án và liên tiếp bơm ôxy, truyền nước uống để bé cầm cự. Khoảng 13 giờ ngày 31/12/2022, lực lượng cứu hộ dùng máy khoan địa chất được điều từ nơi khác đến khoan đất xung quanh móng cọc để làm nhão đất nhằm dùng cần cẩu rút trụ bê tông lên.

Đến khoảng 17 giờ ngày 1/1, lực lượng cứu hộ điều máy khoan cọc nhồi 35 tấn từ huyện Tháp Mười đi theo đường thủy đến hiện trường để khoan một số lỗ quanh móng cọc để làm giảm ma sát nhằm kéo móng bê tông lên.

Trưa 2/1, lực lượng cứu hộ dùng trục xoay để làm mềm đất nhổ trụ bê tông lên. Chiều 2/1, hơn 350 người gồm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, huyện Thanh Bình và lực lượng cứu hộ, cứu nạn công an tỉnh Đồng Tháp, công an huyện Thanh Bình, Công binh Quân khu 9... có mặt ở hiện trường để tham gia cứu hộ.

MỚI - NÓNG