Tại sao bạn luôn cảm thấy mệt mỏi?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Những điều tưởng chừng như vặt vãnh đôi khi lại là nguyên do làm cạn kiệt cả tinh thần và thể chất khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi.

Bỏ tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức bền, làm hệ thống tim mạch hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô trong cơ thể.

Trong một nghiên cứu của Đại học Georgia, những người ít vận động đã bắt đầu tập thể dục nhẹ nhàng 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 20 phút, cho biết họ cảm thấy ít mệt mỏi và tràn đầy sinh lực hơn sau 6 tuần.

Vì vậy, khi bạn mệt mỏi và chỉ muốn tìm một chỗ để nghỉ ngơi, hãy thử đứng lên và đi dạo một vòng.

Không uống đủ nước

Nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể, phân bố ở mọi cơ quan như não, máu, tim, gan, phổi, thận, xương khớp, cơ bắp...

Mất nước làm giảm thể tích máu, hoạt động co bóp của tim kém hiệu quả, làm giảm tốc độ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ bắp và các cơ quan trong cơ thể. Cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, kém tập trung.

Thiếu sắt

Thiếu sắt có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chậm chạp, dễ bị kích thích, yếu đuối và không thể tập trung vì ít oxy đi đến các cơ bắp và các tế bào.

Tăng lượng sắt để giảm nguy cơ thiếu máu bằng cách bổ sung hợp lý các loại thực phẩm như là thịt bò nạc, đậu, đậu phụ, trứng, các loại rau lá màu xanh đậm, các loại hạt và bơ đậu phộng; kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C (vitamin C giúp cải thiện sự hấp thụ sắt).

Tuy nhiên, khi gặp phải những triệu chứng của việc thiếu sắt, bạn nên thăm khám bác sỹ.

Quá cầu toàn

Theo GS.TS Tâm thần học Irene S. Levine tại Đại học Y khoa New York: Luôn đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo trong khi thực tế rằng nó rất khó có thể hoặc không thể đạt được mang lại cảm giác không hài lòng, thỏa mãn khiến bạn mệt mỏi và chán nản.

GS.Levine gợi ý, bạn nên giới hạn thời gian cho chính mình trong các kế hoạch của bản thân và đừng quên chăm sóc mình.

Làm nghiêm trọng vấn đề

Bạn quá lo lắng sẽ bị sa thải khi sếp gọi vào một cuộc họp đột xuất hay quá sợ hãi để đi xe đạp vì có thể gặp tai nạn, luôn nghĩ tới những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Lo lắng này có thể làm tinh thần bạn tê liệt và mệt mỏi.

Nếu lo lắng vì có quá nhiều vấn đề phải giải quyết, hãy hít một hơi thật sâu và tự hỏi mình vấn đề nào thật sự phải làm ngay, điều gì có thể xảy ra.

Làm việc ngoài trời, ngồi thiền, tập thể dục hoặc chia sẻ mối quan tâm với một người bạn có thể giúp bạn đối phó tốt hơn với những tình huống tồi tệ và trở nên thực tế hơn.

Bỏ bữa ăn sáng

Các thực phẩm bạn ăn chính là “nhiên liệu” cho cơ thể và khi bạn ngủ, cơ thể vẫn tiếp tục sử dụng những gì bạn đã tiêu thụ trong bữa ăn tối hôm trước.

Vì vậy, khi thức dậy sau một đêm, bạn cần phải tiếp “nhiên liệu” bằng bữa ăn sáng, nếu không bạn sẽ không đủ năng lượng cho một ngày dài hoạt động và luôn trong trạng thái mệt mỏi.

Một bữa ăn sáng bao gồm ngũ cốc, protein nạc và chất béo lành mạnh, sinh tố trái cây thật sự rất tốt cho cơ thể.

“Sống” bằng đồ ăn nhanh

Hàm lượng cao cholesterol trong các loại đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, gà chiên và cá chiên kẹp trong sandwich... có thể gây ra các chứng tắc nghẽn động mạch dẫn đến suy tim, gây hội chứng ruột kích thích, táo bón, quá tải chất độc và tăng cân. Nếu bạn làm việc trong môi trường phải ngồi nhiều thì các nguy cơ trên tăng gấp đôi.

Văn phòng làm việc lộn xộn

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Princeton, bàn làm việc lộn xộn với đủ các loại giấy tờ, sổ sách, máy móc… sẽ làm cạn kiệt tinh thần của bạn do hạn chế khả năng tập trung và xử lý thông tin.

Sau mỗi ngày làm việc, hãy xếp gọn các thứ vào đúng vị trí của chúng. Điều này sẽ giúp bạn có một khởi đầu tích cực cho ngày hôm sau.

Làm việc trong cả kỳ nghỉ

Kiểm tra email trong khi đang thư giãn bên hồ bơi có thể làm bạn rơi vào nguy cơ bị kiệt sức vì “ham” làm việc. Khi được thực sự nghỉ ngơi, bạn sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo để khi quay trở lại làm việc đạt hiệu quả như ý.

Uống rượu trước khi ngủ

Một ly rượu vang để thư giãn trước khi ngủ, nhưng nó dễ dàng phản tác dụng. Rượu ban đầu làm suy yếu hệ thống thần kinh trung ương, tạo ra một tác dụng an thần, nhưng cuối cùng lại phá hoại giấc ngủ bởi tạo ra một sự đột biến bất ngờ trong hệ thống adrenaline. Đây là lý do tại sao bạn có nhiều khả năng thức dậy vào lúc nửa đêm sau khi đã uống rượu. Nên ngừng uống rượu trước khi ngủ 3 – 4 giờ.

Kiểm tra email trước khi đi ngủ

Ánh sáng phát ra từ máy tính bảng, smartphone hoặc màn hình máy tính đều làm ức chế melatonin, một hormone giúp điều hòa giấc ngủ và chu kỳ thức dậy. Sự nhạy cảm với ánh sáng của các thiết bị trên có thể thay đổi từ người này sang người khác, nhưng nhìn chung bạn nên tránh tất cả nó 1 - 2 giờ trước khi đi ngủ.

Uống quá nhiều cà phê

Nghiên cứu cho thấy 3 tách cà phê mỗi ngày là tốt cho bạn, nhưng sử dụng không đúng cách caffeine có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học lâm sàng Journal of Sleep cho thấy, việc uống cà phê 6 giờ trước khi đi ngủ vẫn ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Thức khuya vào cuối tuần

Thức khuya vào đêm thứ 7 rồi ngủ trong cả buổi sáng chủ nhật dẫn đến khó ngủ đêm chủ nhật và sáng thứ 2 thiếu ngủ.

Ngày cuối tuần, hãy cố gắng thức dậy gần với thời gian bình thường vào sáng hôm sau và sau đó có một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều.

Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.