Khu TĐC bản Sim được đầu tư bằng nguồn vốn của Chính phủ theo Chương trình 193 (chương trình sắp xếp dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai), với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đây là khu mặt bằng gần đường giao thông liên xã, để di dời 42 hộ dân (245 nhân khẩu) của xã Quang Chiểu trước kia sống ở vùng có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá cao, đến nơi sinh sống an toàn. Công trình do Chi cục phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi 42 hộ dân đến sinh sống tại khu TĐC này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Được biết, khu TĐC này đi vào hoạt động từ đầu năm 2012. Nhưng chỉ sau một vài tháng, công trình nước sinh hoạt (gồm đường ống dẫn nước dài hơn 2km, các bể chứa nước tập trung tại bản), với tổng kinh phí xây dựng hơn 2,4 tỷ đồng, cung cấp nước sinh hoạt cho 42 hộ dân đã bị hư hỏng. Công trình bị bỏ hoang hơn hai năm nay, nên người dân nơi đây đang phải lấy nước ao tù, hoặc từ các mó nước ven núi, rất xa khu dân cư về dùng.
Ngoài việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, gần ba năm sinh sống ở khu TĐC bản Sim, người dân nơi đây còn gặp nỗi khổ khó nói, khi các gia đình trong bản không có nhà vệ sinh. Nguyên nhân là mặt bằng của khu TĐC được quy hoạch theo bậc thang, 42 hộ gia đình dựng nhà trên thân đất ba lớp nền, mỗi lớp nền là một dãy nhà sàn người Thái nằm san sát nhau, rất chật chội.
Do vậy, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân nơi đây không có tiền để xây nhà vệ sinh khép kín. Còn làm nhà vệ sinh theo kiểu đào hố, đậy nắp tạm bợ thì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là lúc trời mưa, nước chảy từ khu trên xuống khu dưới, bốc mùi hôi thối. Để giữ vệ sinh chung cho khu TĐC, người dân ở đây không dám làm nhà vệ sinh tạm bợ bên cạnh nhà, nên đành phải phóng uế ra chân đồi, ven sông, suối, cách nhà vài trăm mét.
Ông Lò Văn Bường - Trưởng bản Sim cho biết: “Hàng trăm người dân trong khu TCĐ này đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt và không có nhà vệ sinh. Người dân ốm đau, bệnh tật nhiều cũng do phải dùng nước ô nhiễm lấy từ ao tù, mó ven núi. Bản đã nhiều lần đề nghị UBND xã, huyện, chủ đầu tư sửa chữa đường nước sinh hoạt; hỗ trợ người dân làm nhà vệ sinh khép kín, nhưng đến nay chưa thấy hồi âm”.
Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa (chủ đầu tư dự án trên) cho biết, nguồn kinh phí của Nhà nước chỉ để đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng đường điện lưới quốc gia, đường giao thông trong khu TĐC, công trình nước sinh hoạt và hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để di dời nhà từ nơi ở cũ đến khu TĐC bản Sim.
Trong dự án không có hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân làm nhà vệ sinh. Còn nguyên nhân dẫn đến hệ thống nước sinh hoạt tại khu TĐC này không hoạt động được là việc thi công tuyến đường giao thông từ bản Na Tao (xã Pù Nhi) đi bản Chai (xã Mường Chanh, qua xã Quang Chiểu) đã làm đất đá trôi xuống chặn ngay đầu nguồn nước, một số đoạn ống nhựa dẫn nước bị hỏng, mất cắp.
Chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh để tỉnh có ý kiến chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải yêu cầu nhà thầu tuyến đường trên phải có trách nhiệm thu dọn đất đá, khơi thông nguồn dòng chảy công trình nước sinh hoạt của khu TĐC bản Sim.