Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước: Bán gì, để lại gì?

Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước: Bán gì, để lại gì?
TP - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sử dụng lượng vốn lớn đầu tư, chiếm giữ những vị trí ngành nghề đắc địa nhưng đóng góp cho nền kinh tế và xã hội không tương xứng. Nhiều DNNN đang trở thành “gánh nặng lớn” của nền kinh tế.

Quốc hội yêu cầu khởi động mạnh tái cơ cấu kinh tế
> Ngân hàng khép cửa vay tiêu dùng cuối năm

“Việc tái cơ cấu DNNN sẽ cực kỳ khó khăn vì đụng đến lợi ích của những nhóm hùng mạnh” Ảnh: Hồng Vĩnh
“Việc tái cơ cấu DNNN sẽ cực kỳ khó khăn vì đụng đến lợi ích của những nhóm hùng mạnh” Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bức tranh nợ nần

Nhiều đại biểu dự hội thảo “Tái cấu trúc DNNN” do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính ) tổ chức ngày 15-11 có chung nhận định trên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, ở nhiều DNNN đã bộc lộ những bất cập như: sử dụng vốn tràn lan, tài nguyên lãng phí, lãng phí, thậm chí bảo vệ lợi ích nhóm. “Việc tái cấu trúc DNNN thời gian tới Chính phủ cần tập trung vào 86 tập đoàn và tổng công ty lớn theo hướng thay đổi chính sách đầu tư, chính sách huy động và sử dụng vốn. Thời gian tiến hành bắt đầu từ 2012 và kết thúc vào 2015”- Ông Tuyến đề xuất.

TS Ngô Văn Hiền, Học viện Tài chính, phân tích: “Trong khi 1 đồng vốn của DNNN chỉ làm ra 0,095 đồng lợi nhuận trước thuế thì cùng 1 đồng vốn đó của công ty cổ phần (được chuyển đổi từ DNNN) lại làm ra 0,19 đồng lợi nhuận. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh; 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng. Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinasshin) là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng thì nợ của khu vực DNNN đến 2009 không kể 9 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.

Theo TS Hiền, căn nguyên thất bại trong hoạt động mô hình tập đoàn, tổng công ty mẹ, công ty con được chỉ ra đó là việc nhiều đơn vị được “cấu trúc” theo kiểu “góp gạo, thổi cơm chung”, đầu tư tràn lan, lệch hướng. Hệ thống kiểm soát lại không đủ mạnh dẫn tới những khoản vay và đầu tư vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tái cơ cấu: bán gì, giữ gì?

Ông Bùi Ngọc Sơn- Viện Kinh tế chính trị thế giới lưu ý: “Tái cấu trúc không chỉ là “tráo đầu đũa, lau cho sạch sẽ” mà là tư nhân hóa toàn bộ, tư nhân hóa từng phần hay trao quyền tự chủ cho DNNN. Chính phủ cần phải lên danh sách các loại DNNN theo các cấp độ thị trường: xem bán cái gì trước, cái gì sau. Tuy nhiên có những phần cần lưu ý như đường sắt, hệ thống truyền tải điện, tư nhân không thể tham gia trực tiếp mà phải có bàn tay của Nhà nước”.

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư thì cho rằng, cái khó không phải làm bắt đầu từ đâu mà là phải ứng xử thế nào. Vì khi tái cơ cấu, người ta sẽ cần chi phí điều chỉnh. Lần cải cách DNNN này sẽ là giai đoạn khó khăn hơn so với 20 năm qua, vì nó liên quan rất nhiều đến các nhóm lợi ích hùng mạnh.

Ngoài ra, theo ông Thành, vấn đề của DNNN là phải giải quyết vấn đề quyền người đại diện. Chúng ta đã có tư tưởng thuê CEO (giám đốc điều hành), giám sát CEO thế thì sao không dám làm mạnh. Một CEO giỏi lương triệu đô mà làm ra lợi nhuận cả ngàn tỷ còn hơn một vị tổng giám đốc người của nhà nước lương vài chục triệu mà gây thua lỗ, nợ nần. TS Phạm Thu Hằng, Viện trưởng viện nghiên cứu Phát triển DN thuộc VCCI, đề xuất: “Nhà nước cần xây dựng kế hoạch phát triển tập đoàn 5-10 năm tới trong đó chỉ rõ những ngành nghề Nhà nước nắm 100% vốn hoặc giữ chi phối tại công ty mẹ. Nên co gọn đến năm 2020 có khoảng 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước mạnh tầm cỡ khu vực, các DNNN còn lại chỉ khoảng 30-50 tổng công ty và một bộ phận DNNN có quy mô hợp lý sản xuất, kinh doanh chủ yếu phục vụ ở vùng sâu, vùng xa.

Một cuộc điều tra 200 doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất mới đây do UNDP thực hiện khẳng định rằng “Top 200” của Việt Nam đang đầu cơ đất đai và chứng khoán mà thiếu tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thay vào đó, các công ty này đua nhau tìm kiếm lợi nhuận tức thời trong khu vực bất động sản và tài chính. Một số Tập đoàn kinh tế như Petro Việt Nam, Vinashin đang thành lập hay đoạt quyền kiểm soát ở một số ngân hàng, EVN đầu tư sang cả viễn thông, quân đội kinh doanh xăng dầu, ngân hàng. (Nguồn tư liệu tại Hội thảo)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG