Tác giả 'Buồn ơi chào mi' tìm bình yên trong... bão tố

Gia đình hạnh phúc của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9
Gia đình hạnh phúc của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9
TPO - Hay tin nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, tác giả “ Buồn ơi chào mi” ra đi, đi về cõi vĩnh hằng, tôi lặng người nhớ tới lần trò chuyện với ông cách đây chưa lâu…

Tôi biết, rất nhiều người thích bài hát “Buồn ơi chào mi” và nhiều khi không hiểu vì sao chính tôi cũng ngân lên “Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình/ Thì trên đường đời, ta có mi buồn ơi…”.

Nhớ lần ngồi trò chuyện với nhạc sỹ danh tiếng Nguyễn Ánh 9 tại quán cà phê Văn Cao trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), tôi hỏi ông có phải khi sáng tác bài hát được nhiều người yêu thích này ông đã nghĩ đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới“ Buồn ơi chào nhé” của nữ nhà văn Pháp Francoise Sagan?

Ông nói “Đúng vậy; Tôi vẫn thường tự nhủ mình và nói với các con rằng, khi ta buồn, ta nên tìm cái vui trong cái buồn…”.

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 có hai người con trai đã thành danh, cả hai đều là nhạc sỹ, đều theo con đường âm nhạc của bố, đều được bố dìu dắt từ nhỏ. Nhạc sỹ Nguyễn Quang (Nguyễn Đình Quang sinh năm 1965) và nhạc sỹ Quang Anh (Nguyễn Đình Quang Anh sinh năm 1970). Hai con ông đều là những nghệ sỹ Piano, đều là những nhạc sỹ phối âm, phối khí dàn dựng nhiều nhạc phẩm nổi tiếng. Nhạc sỹ Quang Anh còn là nhạc trưởng, viết nhiều bản nhạc cho những bộ phim nổi tiếng như phim “Dưới cờ đại nghĩa”…

Qua điện thoại, Quang Anh kể rằng lên 5 tuổi đã được bố cho đi học nhạc tại nhà một cô giáo vốn là học trò cũ của bố. “Bố thường đưa em theo mỗi khi bố vào đài phát thanh, ở đó em mới có điều kiện học được nhiều điều thực tế từ cách phối âm, phối khí, đến cách dàn dựng một nhạc phẩm, một chương trình… Bố đã dìu dắt chúng em từ nhỏ…”.

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 nói với tôi rằng, ông lấy bài học từ chính bản thân mình để dạy các con.

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 sinh năm 1940, tại Phan Rang, trong một gia đình khá giả. Bố ông muốn con trở thành giáo sư, hay bác sỹ chứ nhất quyết không muốn cậu con trai của mình đi theo con đường âm nhạc.

Năm 11 tuổi, cậu bé Nguyễn Đình Ánh (tên thật của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9) vào Sài Gòn học ở trường Taberd, năm 1954 lên Đà Lạt học ở trường nội trú Yersin. Sau khi tốt nghiệp tú tài phần 2, được sự dìu dắt của nhạc sỹ Hoàng Nguyên, Nguyễn Đình Ánh quyết đi theo con đường âm nhạc…

Quá say mê âm nhạc, dù bố ông đã nói với ông rằng: Nếu còn tiếp tục đi học, gia đình sẽ lo cho mọi thứ chu toàn, nếu theo con đường âm nhạc thì tự lo lấy.

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 nói, chính mẹ ông, bà Huỳnh Thị Toại là người cảm thông, chia sẻ, dấu ba ông, cho ông một ít tiền để ông vừa đi làm thêm kiếm sống, vừa tập đàn, học nhạc… Ông tự hứa với mình, bao giờ thành danh mới trở về nhà.

Năm năm sau, trở về với gia đình, làm ở phòng trà Anh Vũ. Từ đó ông quen biết nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ca sỹ Khánh Ly, Thái Thanh, ở đó ông gặp diễn viên múa Nguyễn Thị Ngọc Hân, sau này trở thành vợ ông.

Một lần đi diễn cùng Khánh Ly ở Nhật, trên đường về, dừng chân ở một trạm xe, thấy gương mặt Nguyễn Đình Ánh buồn buồn, Khánh Ly bảo “Sao, còn thương nó không bạn?”. Là muốn nói về một người yêu cũ của của Nguyễn Đình Ánh. Sẵn cây đàn ghi ta trong tay, Nguyễn Đình Ánh ngân lên từ phím đàn “Không, không, tôi không còn yêu em nữa…”. Đó là nhạc phẩm nổi tiếng “không” gắn liền với giọng hát của Elvis Phương nổi tiếng một thời.

“Rút bài học từ cuộc đời tôi, tôi để cho các con tự do lựa chọn nghề mà các con yêu thích. Tôi chỉ đưa ra lời khuyên, đã chọn nghề mình thích thì phải say mê, phải thực sự yêu nghề, yêu hết mình. Âm nhạc là vô biên, mỗi ngày học một ít, đừng bao giờ tự mãn… tôi nói với các con tôi rằng, chính ba cũng còn thua kém nhiều người, hàng ngày, ba phải cố gắng rất nhiều, cố gắng hoàn thiện mình. Muốn vậy, phải học hỏi tất cả mọi người, học cả cái hay lẫn cái dở, cái hay để mình nâng cao lên, cái dở để mình tránh. Cho đến bây giờ, các con tôi đều đam mê âm nhạc, tôi rất hãnh diện vì các con biết suy nghĩ, yêu nghề, sống chết với nghề, luôn dang rộng cánh tay để giúp đỡ, sẻ chia cùng người khác”, Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 tâm sự.

Ông kể cho tôi nghe về những ngày gian khổ, thiếu thốn, nhưng vợ chồng ông vẫn dành mọi tình cảm, mọi điều kiện có thể cho các con. Khi vào trung học, con trai ông là Quang Anh chỉ vì một câu nói của cô giáo là con trai nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 mà không biết đàn sao? Quang Anh đã quyết tâm học đàn và học giỏi, được giải A về Piano thời đó. Ông tìm thầy dạy chữ, dạy nhạc, gửi con vào ban nhạc của nghệ sỹ Kim Cương. Ông nói chính nhạc sỹ Bảo Chấn đã coi các con ông như con mình, dạy dỗ, bảo ban, tận tình, cụ thể. 

“Tôi dạy con bằng chính cuộc đời của vợ chồng tôi, càng khó khăn gian khổ, ý chí vươn lên càng phải mạnh mẽ. Cuộc đời vốn vô thường, nên ta phải biết tìm niềm vui trong nỗi buồn, tìm sự bình yên trong bão tố!

Tôi không để tiền bạc, của cải cho các con, các cháu, tôi chỉ để lại kiến thức cho con, cho cháu. Khi xưa học nhạc, tôi tự mày mò học lấy, nay có điều kiện, tôi sẵn sàng dạy không chỉ các con, các cháu của tôi mà cả những ai yêu nhạc, thích học nhạc, tôi dạy mà không cần thù lao, không lấy tiền…”, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 thổ lộ.

Ở Việt Nam, tôi chưa thấy ai đặt tên mình bằng con số như nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Hóa ra, đó là cả một câu chuyện tình, mà có người đã viết lên báo. Tên ông là do người yêu của ông đặt cho. Người ấy nói rằng cái tên Nguyễn Đình Ánh hơi dài, nên gọi là Nguyễn Ánh. Nhưng Nguyễn Ánh là tên của vua Gia Long (cấm kỵ). Chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà theo quan niệm của người phương Đông, con số 9 là con số cực kỳ may mắn. Và, vì người yêu, ông đã lấy tên mình bằng con số 9.

Không biết cuộc đời ông có nhiều may mắn hay không, điều đó chỉ ông là rõ nhất. Nhưng, có một điều mà nhiều người biết là ông có một gia đình hạnh phúc với vợ và hai người con trai đều thành danh, có những đóng góp cho âm nhạc, đều là những người sống đàng hoàng, tử tế, biết yêu thương, biết dang rộng cánh tay với bạn bè, với người khác, đó cũng là điều mà ông nói là ông hãnh diện vì con. Một điều mà theo tôi cũng là may mắn ấy là những nhạc phẩm của ông như “Buồn ơi chào mi”; “Ai đưa em về”; “Cô đơn”; liên ca khúc “không”; “Bơ vơ cho người tình xa”… qua những biến động của cuộc đời dâu bể, qua thời gian vẫn là say đắm lòng người, say đắm nhiều thế hệ yêu nhạc cả trong và ngoài đất nước chúng ta.

Năm 2006, Trung tâm Thúy Nga tổ chức một nhạc hội trực tiếp thu hình “Paris By Night 83” những khúc hát ân tình tại California (Hoa Kỳ) vinh danh 3 nhạc sỹ trong đó có ông.

Năm 2010, trong chương trình con đường âm nhạc vinh danh ông, Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 tổ chức tại nhà hát quân đội (Thành phố Hồ Chí Minh) được truyền hình trực tiếp trên VTV3 đài truyền hình Việt Nam.

Ở cái tuổi gần tám mươi, ông vẫn say mê sáng tác, vẫn cùng con trai đi biểu diễn ở nhiều nơi. Ông đưa cho tôi xem bức hình ông và con trai biểu diễn đàn Piano tại một địa điểm nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh được chụp bằng điện thoại di động. Ông nói, ông rất vui vì ông thường xuyên được con trai đưa đi biểu diễn bằng ô tô do chính con ông cầm lái.

Gia đình nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 là một gia đình cả nhà làm nghệ thuật, say mê nghệ thuật, vượt lên tất cả vì nghệ thuật, biết tìm trong âm nhạc, trong nghệ thuật niềm vui chân chính. Ông ra đi, nhưng, những ca khúc của ông vẫn còn mãi với thời gian…

Nhà vườn Sóc Sơn 2016 

MỚI - NÓNG