Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao (tia X, tia gamma) hoặc các hạt nguyên tử (electron, proton) chiếu vào nhằm hủy diệt khối u ung thư. Xạ trị được áp dụng trong điều trị ung thư từ những năm 30 của thế kỷ trước. Đến nay, hiểu biết về xạ trị ngày càng sâu, kỹ thuật xạ trị ngày càng cao, nhiều phương pháp xạ trị mới đã được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh phẫu trị, xạ trị ngày nay vẫn là một vũ khí điều trị mạnh, có khả năng điều trị hết một số loại ung thư và khi phối hợp với phẫu trị, hóa trị sẽ làm tăng hiệu quả điều trị đối với các loại ung thư khác. Cũng như các phương pháp điều trị khác, bên cạnh hiệu quả điều trị, xạ trị cũng có những tác dụng phụ nhất định trên các mô lành của cơ thể. Mục đích của điều trị cần đạt được là giảm các tác dụng phụ này xuống mức thấp nhất.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện tác dụng phụ của xạ trị:
- Vị trí và đáp ứng với xạ trị của khối u ung thư nguyên phát; sự dung nạp của mô bình thường quanh khối u với xạ trị; việc sử dụng hóa trị kèm theo.
- Việc sắp xếp nguồn chiếu xạ, năng lượng bức xạ, các cấu trúc giải phẫu học trên đường đi của tia xạ.
- Đáp ứng của mô ở mức độ phân tử đối với tia xạ, tính nhạy cảm của cơ thể đối với tia xạ.
Tác dụng phụ được ghi nhận có hai loại cấp tính và mạn tính. Cụ thể, tác dụng phụ sớm hay cấp tính: thường thấy trên các tế bào cơ thể có tốc độ tăng trưởng nhanh như tế bào niêm mạc, da, tủy xương. Xuất hiện trong hay ngay sau xạ trị và tăng dần nếu vẫn tiếp tục xạ, đạt mức cao nhất ở tuần thứ năm đến tuần thứ bảy. Thông thường, tác dụng phụ sẽ hết khi kết thúc xạ trị và không để lại di chứng. Tác dụng phụ có thể kéo dài và/hoặc nặng hơn nếu có hóa trị kèm theo.
Tác dụng phụ muộn hay mạn tính: Tế bào chết đi với biểu hiện teo mô hoặc tạng hay xơ hóa. Thông thường diễn tiến chậm, nhiều tháng, nhiều năm, có ảnh hưởng hoặc làm mất chức năng của tạng.