Vội vã thu hồi để xóa khuyết điểm?
Việc Hà Nội tiến hành thu hồi giấy chứng nhận (GCN) của nhiều hộ dân, đã và đang gây hoang mang, lo lắng cho rất nhiều gia đình. Về cơ sở pháp lý, theo ông việc thu hồi sổ này đúng, sai thế nào?
Trước tiên, Luật Đất đai và các nghị định liên quan đã quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất có quyền thu hồi lại, nếu phát hiện thấy việc cấp trước đây có vi phạm pháp luật. Nhưng đồng thời cũng quy định về trình tự, thủ tục rất chặt chẽ trong quá trình thu hồi. Cụ thể là phải thông báo đến từng hộ dân bị thu hồi. Sau đó phải thông báo về thời gian, địa điểm nộp sổ và phải công khai danh sách các sổ bị thu hồi, nhất là với các trường hợp người dân không đem đến nộp. Điều này để tránh những giao dịch lừa dối sau này có thể xảy ra.
Như vậy, quá trình thu hồi sổ của Hà Nội vừa qua chắc chắn không đúng trình tự, thủ tục. Có thể thẩm quyền đúng, nhưng trình tự, thủ tục là không đúng. Người dân không hề được thông báo, cũng không biết gì về việc này. Tôi còn được biết là cũng không có thanh tra báo cáo, kết luận việc cấp sổ trước đây là sai. Thanh tra chỉ ra rằng, chủ đầu tư sai chứ không hề nói gì đến chuyện cấp sổ trước đây sai. Như vậy, điều kiện để thu hồi của Hà Nội là chưa đủ.
“Quyết định thu hồi sổ của Hà Nội không chỉ gây ra rất nhiều hệ lụy, mà còn không hoàn thành đúng trách nhiệm quản lý về mặt đất đai. Tại sao anh lại đi cấp sổ khi biết rằng căn hộ đó có vi phạm pháp luật? Căn cứ nào để cấp sổ? Điều đó cho thấy cơ quan quản lý đất đai trong việc cấp sổ rất vô trách nhiệm. Đến khi hoảng hốt lên, lại thu hồi sổ đã cấp. Như vậy, một lần nữa lại thể hiện sự vô trách nhiệm, lấy cái sai để sửa một cái sai”.
GS. Đặng Hùng Võ
Không ít ý kiến đặt ra, Hà Nội có cần thiết phải thu hồi sổ của các hộ dân vào thời điểm này không, thưa ông?
Tôi cho rằng, công văn của Bộ TN&MT vừa qua là hoàn toàn thỏa đáng. Bởi bây giờ mới có chuyện khởi tố chủ đầu tư, cũng chưa biết Tòa án sẽ phán quyết xử lý theo cách nào. Ví dụ tới đây phán quyết, phải đập bỏ tất cả các phần vi phạm, người dân phải dời khỏi đó, lúc đó mới tiến hành thu hồi. Còn nếu xử lý bằng cách thừa nhận, chấp nhận phần xây dựng sai đó và xử phạt về mặt tài chính, chẳng hạn như tịch thu toàn bộ giá trị của những căn hộ vi phạm. Như vậy, lúc đó chỉ thu tiền của chủ đầu tư thu được từ việc bán căn hộ, còn người dân vẫn được tiếp tục và không phải thu hồi sổ.
Hiện vẫn chưa rõ phán quyết cuối cùng của Tòa án ra sao. Vậy việc thu hồi sổ của người dân vừa qua là một việc làm quá vội vã. Họ chỉ nghĩ đến trách nhiệm của mình trong việc cấp sổ trước đây, nay thu hồi lại để xóa khuyết điểm. Nhưng có thu hồi vội vã, nhanh chóng thế nào đi chăng nữa, cũng không thể xóa khuyết điểm trước đây được.
Vì thế, Hà Nội đừng tạo thêm một khuyết điểm nữa trong việc thu hồi sổ của người dân. Tất nhiên, theo văn bản của Bộ NT&MT thì Hà Nội đã dừng việc thu hồi sổ rồi. Nhưng tôi cho rằng, kể cả những trường hợp trước đây đã thu hồi rồi thì cũng nên trả lại cho người dân, chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án.
Theo ông, việc thu hồi sổ đỏ vừa qua gây ra những hệ lụy gì cho xã hội, cho người dân?
Có thể nói việc này gây ra những tác động rất xấu cho xã hội trên phạm vi rất lớn, làm cho người dân ở chung cư bất an, lo sợ, thậm chí ngay bản thân những người được cấp sổ nhưng chưa bị thu hồi cũng rất hoang mang, lo lắng, bất an. Mấy trăm hộ bị thu hồi sổ cũng chỉ là trước mắt, còn trong tương lai thì như thế nào đây? Đó là những điều bất an rất lớn trong xã hội, rất không cần thiết để xảy ra.
Mặt khác, việc thu hồi sổ như vậy cũng có thể dẫn đến chuyện người dân tìm cách bán tháo căn hộ. Điều này còn làm bất an cả đến thị trường bất động sản, thậm chí làm thiệt hại tài sản của người dân. Vì bán tháo nghĩa là bán rất rẻ, trong khi quyền lợi của họ lại đang được pháp luật bảo hộ, không phải lo lắng gì cả.
Thứ nữa, việc làm này còn có thể kéo theo những câu chuyện khác, chẳng hạn như sổ đã thế chấp ngân hàng thì xử lý thế nào đây? Giả sử số lượng sổ đem thế chấp ở ngân hàng rất lớn, lúc đó có thể còn gây ra khủng hoảng nhất định. Bởi lúc đó các ngân hàng sẽ lập tức xuống đòi người vay, vì tài sản thế chấp đã bị vô hiệu rồi.
Dân không phải lo lắng, hoang mang
Ông nói quyền lợi của người dân vẫn được đảm bảo, nghĩa là người dân hoàn toàn yên tâm, không việc gì phải hoang mang, lo sợ?
Bộ Luật dân sự đã quy định rất rõ ràng, trường hợp hợp đồng mua bán vi phạm pháp luật chắc chắn vô hiệu. Lúc này, người dân mua căn hộ được coi là người tham gia vào một giao dịch ngay tình. Tức là người ta không biết vi phạm pháp luật, cũng không có âm mưu gì cả, chỉ có chủ đầu tư mới là người không ngay tình. Bộ Luật dân sự quy định, bên ngay tình sẽ được bên không ngay tình hoàn trả tất cả những thiệt hại về mặt giá trị kể từ khi hợp đồng đó được thực hiện. Nói cách khác, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn trả tất cả nếu người mua phải ra đi.
Trong sự việc này, theo ông trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu?
Tôi cho rằng, việc quản lý nhà nước có khuyết điểm rất nặng, kể cả bên quản lý về đầu tư, xây dựng, đất đai và thanh tra. Tại sao sai phạm như vậy, thanh tra đã có kết luận trước đó, mà đến nay vẫn không được xử lý? Chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, khởi tố, họ mới làm vậy, mặc dù việc khởi tố cũng không căn cứ vào bất kỳ một kết luận của thanh tra nào? Tức, kết luận thanh tra không gửi đến cơ quan điều tra. Như vậy là tất cả những vi phạm trước kia đều không bị xử lý.
Quyết định thu hồi sổ không chỉ gây ra rất nhiều hệ lụy, mà còn không hoàn thành đúng trách nhiệm quản lý về mặt đất đai.
Cảm ơn ông.