Từ vụ thu hồi sổ đỏ chung cư sai phạm: Dân gánh chịu hậu quả?

Cư dân nhiều tòa chung cư ở Hà Nội bị đem con bỏ chợ trong việc làm sổ đỏ (Khu đô thị Ngoại giao đoàn Hà Nội)
Cư dân nhiều tòa chung cư ở Hà Nội bị đem con bỏ chợ trong việc làm sổ đỏ (Khu đô thị Ngoại giao đoàn Hà Nội)
TP - Câu chuyện Sở Tài nguyên & Môi trường "đòi" thu hồi hàng trăm sổ đỏ tại khu chung cư Xa La (Hà Ðông, Hà Nội) dù đã được xử lý lại nhưng vụ việc đang đặt ra một vấn đề: Tại hàng loạt các chung cư ở Hà Nội, cư dân có nguy cơ không được cấp sổ đỏ nếu chủ đầu tư sai phạm.

Mặc dù thông tin mới nhất là hiện Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đã tạm dừng việc thu hồi sổ đỏ tại khu chung cư cấp sai để cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên, việc này không thể làm an dân khi ngày càng có nhiều chủ đầu tư sai phạm và người dân lo không được cấp sổ đỏ hoặc khi đã được cấp rồi có thể bị thu hồi.

“Quýt làm, cam chịu”

Hàng trăm cư dân chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đang  “đứng ngồi, không yên” khi đã nhận nhà từ rất nhiều năm nay mà vẫn trong tình trạng chưa có sổ đỏ. Cư dân tại đây lo lắng không thừa bởi Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội vừa có văn bản gửi ban quản trị toà nhà thông báo quá trình cấp sổ hồng phải dừng lại do chủ đầu tư chưa khắc phục những sai phạm trong khi thực hiện dự án.

Anh Minh Quý, cư dân tòa nhà nói: “Chúng tôi không chấp nhận việc sai phạm của chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà. Cơ quan chức năng không thể vì sai phạm của chủ đầu tư mà trì hoãn việc cấp sổ cho cư dân vì khi mua, chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của khách hàng. Quan trọng là những sai phạm đó, không phải do người dân làm ra mà của chủ đầu tư... Không thể để quýt làm, cam chịu được”.

Tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều cư dân chung cư cũng đang “nhấp nhổm” vì chưa được cấp sổ. Cụ thể, cư dân ở tòa N01-T5 cho biết, kể từ ngày bàn giao nhà vào tháng 9/2015 đến nay đã gần 4 năm nhưng chưa được nhận sổ. Cùng với đó, việc thay đổi quy hoạch mà cư dân không được biết gì cũng khiến họ vô cùng bức xúc. “Trách nhiệm của chủ đầu tư là làm sổ đỏ cho cư dân nhưng không biết lý do gì mà người dân dù đã nộp hồ sơ nhưng vẫn chưa được giải quyết vấn đề sổ đỏ”, cư dân tại đây cho biết.

Cư dân chung cư Westa (Hà Đông, Hà Nội) do Cty Cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư phản ánh, dù nhận nhà từ năm 2014 và thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ, nhưng đến nay, gần 300 hộ dân tòa nhà Westa Hà Đông vẫn chưa được làm sổ đỏ.

Tăng xử phạt và khởi kiện?

Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Cty Luật Trường Sơn phân tích, những vi phạm của chủ đầu tư nói chung có thể chia  thành 2 loại: vi phạm nhẹ và nghiêm trọng (xây thêm tầng, chia tách căn hộ, xây dựng căn hộ ở tầng kỹ thuật…). Với sai phạm nghiêm trọng, theo ông Tuấn, việc không cấp sổ đỏ là có cơ sở. Nhưng những vi phạm nhẹ của chủ đầu tư không phải lỗi người dân và không gây ảnh hưởng nhiều mà vẫn không được cấp sổ đỏ là vấn đề đáng bàn.

“Nếu có cấp sổ đỏ sai thì người cấp sẽ chịu trách nhiệm đền bù. Khi các dự án bàn giao nhà thì cơ quan quản lý phải kiểm tra và xử lý vi phạm chủ đầu tư ngay”

GS Ðặng Hùng Võ,

nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

“Mặc dù luật có quy định, chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ cho cư dân phạt đến tiền tỷ nhưng rõ ràng, mức phạt này chưa đủ răn đe khiến ngày càng nhiều chủ đầu tư không chịu làm sổ đỏ cho dân. Thậm chí, khi cơ quan quản lý cấp sai sổ đỏ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo quyền lợi của người dân cũng mờ nhạt. Do đó, phải điều chỉnh những quy định pháp luật về việc xử phạt chủ đầu tư sai phạm, nâng lên mức khiến họ bị lỗ khi sai phạm”, luật sư Tuấn nói.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cấp rồi lại thu hồi sổ đỏ của người dân như trong trường hợp của chung cư Xa La cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. “Lẽ ra những sai phạm cần phải được xử lý ngay trong quá trình thực hiện dự án nhưng ở đây có sự làm ngơ để vi phạm xảy ra thậm chí là xảy ra trong thời gian dài sau đó mới đặt ra cái vấn đề giải quyết lại sai phạm đó, gây khó khăn cho người dân. Về lâu về dài, không còn cách nào khác là buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch tại khu vực này để hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ cho người dân”, luật sư Tú nói.

Cũng theo luật sư Tú, đây là một bài học cảnh tỉnh trong công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai trên cả nước, hy vọng trong thời gian tới chúng ta không còn phải chứng kiến những sự việc như trên.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Thật khó đổ trách nhiệm cho người mua nhà vì họ không thể biết được dự án bất động sản có tính chất pháp lý như thế nào. Người dân chỉ biết sổ đỏ là văn tự chính thức cơ quan quản lý nhà nước cấp cho họ”.

Theo ông Hiếu, trường hợp sổ đỏ bị thu hồi, tài sản bất động sản sẽ mất giá trị và người dân sẽ là đối tượng bị thiệt hại. Nếu vậy, họ có quyền khởi kiện Sở Tài nguyên& Môi trường Hà Nội. Còn trường hợp sổ đỏ bị sở thu hồi và hủy lại được người dân mang đi thế chấp vay vốn, ngân hàng gặp rủi ro khi có nguy cơ mất tài sản thế chấp vì tài sản thế chấp mất tính pháp lý, ngân hàng không thu giữ được.

 “Trong trường hợp này, cả người dân và ngân hàng đều là nạn nhân của việc cấp và thu hồi sổ của cơ quan quản lý nhà nước”, TS Hiếu nói.

MỚI - NÓNG