Tạ Quang Bạo & “người tình” ở lại

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Tạ Quang Bạo đã vào tuổi xế chiều. Ông sống trong một ngôi nhà đẹp với hơn một trăm bức tượng vây quanh nhưng lại không có nổi một người đàn bà của riêng mình. Vui, buồn của ông giờ đây chỉ còn trút vào “người tình” đầu tiên và sau cuối: Điêu khắc.

Nhà điêu khắc đầu tiên tôi quen trong đời chính là Lê Công Thành. Mất cả một tuần ngồi ở nhà anh, lắng nghe anh đọc thơ bằng kính lúp tôi mới được anh tin đến mức “cho phép viết bài”. Tưởng sự việc cũng lặp lại y như nhiều năm về trước nên tôi rón rén khi đến gặp Tạ Quang Bạo. Chẳng gì tượng của Tạ Quang Bạo cũng lẫy lừng trong nước: Đảo tiền tiêu, Mẹ Trường Sơn, Dòng sông Mê Kông, Đêm mùa hạ… Tác phẩm Hòn Vọng Phu, một cách tổng kết chiến tranh đầy ám ảnh, là điểm nhấn ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Chọn một ngày Hà Nội trời mưa rầm rầm, tôi đến thăm anh với hy vọng cái sự nhiệt tình “em đến thăm anh một chiều mưa” sẽ khiến anh cảm động mà mở lòng đón tiếp. Đến nơi, tôi thấy hóa ra “chiến lược” thăm nom của mình thật không cần thiết. Mà ngược lại, sự có mặt của tôi là niềm vui với Tạ Quang Bạo. Con ngõ nơi anh ở cũng là nơi đi về của nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi. Chênh chếch là nhà Vương Trọng, nhìn ra một chút, ngôi nhà có cây lan từng là “tổ ấm” một thời của nhà văn Trung Trung Đỉnh…

Ngôi nhà Tạ Quang Bạo nổi bần bật trong ngõ không chỉ bởi diện tích mà còn bởi… tượng trưng khắp nơi khiến người qua đường ngờ ngợ: Không biết đây là nhà ở hay một gallery? Tạ Quang Bạo ân cần và ôn tồn bật đèn, ánh sáng chan hòa khắp phòng tầng hai, chỉ cho tôi từng bức tượng tên gì, sáng tác thời điểm nào. Thiên hạ lâu nay vẫn nhận định: Tượng của Tạ Quang Bạo có màu siêu thực, hiện đại. Tạ Quang Bạo nói rằng: “Siêu thực gì thì cũng phải bám lấy thực tế”, chính quan điểm này khiến cho tác phẩm của anh không đến mức “đánh đố” với những người “mù” kiến thức hội họa, điêu khắc.

Tạ Quang Bạo & “người tình” ở lại ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Tượng của Tạ Quang Bạo đa dạng về đề tài: Từ cổng làng, chân dung, rừng kêu cứu… Anh tự thú, thứ hấp dẫn anh hơn cả vẫn là đề tài về nhân dân. Tuy nhiên, nếu ai đó bước chầm chậm vào cõi siêu thực của Tạ Quang Bạo sẽ thấy rất nhiều đàn bà trong tượng của nhà điêu khắc, từ những đề tài gần như không liên quan như Rừng kêu cứu đến những đề tài đương nhiên dính dáng: Dòng suối cạn, Hoa sống đời, Giao duyên…

Nếu tượng Lê Công Thành lồ lộ hình ảnh phụ nữ trong một bộ phận kín đáo của cơ thể hay trong tư thế gợi cảm nào đó thì tượng Tạ Quang Bạo vì “siêu thực” mà kín đáo hơn song không kém phần dữ dội. Người ta có tìm thấy ở tượng của anh những nụ hôn, cho tới những cảnh nam nữ trong trạng thái giao hoan nguyên thuỷ... Có điều đó cũng bởi vì Tạ Quang Bạo không lạ lẫm với đời thường. Anh không phải là một nhà điêu khắc chỉ biết nặn mà thôi, anh còn một phần đời dập dìu với những câu chuyện tình được nhiều người trong giới biết đến.

Từng người tình bỏ ta đi…

Câu hát của Trịnh Công Sơn: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” có lẽ đúng với Tạ Quang Bạo. Anh lập gia đình sớm hơn mức cần thiết, khi còn “trẻ con”. Người vợ ở quê đã sinh cho anh ba người con, hiện nay hai người con của anh sống bình yên ở quê. Người con trai nối nghiệp cha đang sống với anh tại ngôi nhà nhiều tượng. Trong lí lịch của Tạ Quang Bạo chỉ ghi: Một vợ. Nhưng hiện trạng của anh là li thân lâu bền, tới mức hiện nay: “Quên cả đàn bà”.

Tạ Quang Bạo có những cuộc tình đình đám bị kiểm điểm lên xuống và ồn ào khắp ngõ nghệ sỹ. “Tội” của anh khi yêu là đam mê, được anh lí giải: “Có lẽ do tôi lập gia đình sớm, tuổi trẻ hụt hẫng, nên được yêu là mê say. Tôi từng yêu một cô văn công, cô ấy làm tình làm tội, khổ lắm. Cô ấy muốn khoe tình yêu trước mắt mọi người, còn tôi lại muốn kín đáo. Có lần tôi phải bắc thang để trèo đi trốn”. Nghe bạn bè Tạ Quang Bạo kể lại, có lần cô người yêu ấy trong cơn cuồng nộ, đã vác dao chém toàn bộ tượng bằng đất sét của nhà điêu khắc, nàng muốn “chém linh hồn Tạ Quang Bạo”. Cuộc tình đi đến tan rã như một hệ quả tất yếu.

Khi một “dòng sông nhỏ” ra đi, lập tức lại xuất hiện một dòng sông khác. Những người biết Tạ Quang Bạo đều cho rằng: Anh không “kén cá chọn canh” khi yêu và nghe đồn các cuộc tình đều khiến anh hao hụt tài sản. Những người đàn bà đi qua cuộc đời nhà điêu khắc không thuộc diện sắc nước, hương trời. Người tình không còn trẻ tiếp sau cũng bỏ rơi Tạ Quang Bạo đúng khi anh lâm bệnh. Ở tuổi xế bóng, nhà điêu khắc kết luận: “Đường tình của tôi vớ vẩn lắm em ơi. Đàn bà không yêu tôi, họ yêu cái gì đó của tôi chứ không yêu tinh thần của tôi”. Cứ dại gái đều đều và cũng rút ra kết luận đều đều song Tạ Quang Bạo không hối tiếc vì đã yêu. Anh cũng không trách những người đàn bà của mình: “Không có họ cũng không chắc mình đã có sáng tác dồi dào như thế”.

Học mỹ thuật từ năm 1959, sự nghiệp điêu khắc của Tạ Quang Bạo nở rộ từ năm 1975 đến năm 2000. Phải nói anh là người làm nghệ thuật có sức bền, dẻo dai. Nhà điêu khắc nói nửa đùa, nửa thật: “Trong tình yêu tôi mất mát nhiều nhưng bù lại, giúp tôi giữ được tâm hồn trẻ trung. Bây giờ tôi đang già vì bệnh tật và vì… không yêu. Khi yêu tượng cũng mềm mại ngay cả trong những đề tài khô khan. Thời kỳ này không có người yêu nên cảm hứng sáng tác có giảm. Nếu bây giờ có người yêu tôi lại sáng tác tốt ngay”. Biết đâu, phần cuối đời của nhà điêu khắc lại nở hoa tình?

Túc tắc bán tượng

Tạ Quang Bạo người Thanh Hóa. Chẳng biết điệu hò sông Mã ảnh hưởng thế nào đến điêu khắc khiến tượng của anh nhìn thoáng qua đã thấy nét khỏe khoắn. Người làm điêu khắc cũng giống như người viết văn, có người hợp với thể loại truyện ngắn nhưng đụng đến tiểu thuyết lại dở, có người chơi được với văn xuôi, động đến thơ là “tịt”… và ngược lại.

Tạ Quang Bạo & “người tình” ở lại ảnh 2

Tượng đài chiến thắng ở Nghĩa trang Đường 9 - một tác phẩm nổi tiếng của Tạ Quang Bạo. Ảnh: Văn Hưng

Tạ Quang Bạo thiên về hoành tráng. Ông thích hợp với tượng đài tuy nhiên tượng salon cũng đủ duyên dáng. Trong thời buổi khó khăn, nhà điêu khắc vẫn sống được, túc tắc làm tượng bán cho… nhà nước. Hiện tại anh đang làm tượng cho nhà Quốc hội, lấy công làm lãi là chính. Rồi cũng nhận dựng phác thảo cho một số công ty trúng thầu làm tượng, anh không đứng tên, chủ yếu để mưu sinh. Cá nhân ít mua tượng Tạ Quang Bạo bởi anh “thét” giá khá cao: Từ 20 ngàn đến 30 ngàn đô. Tất nhiên nếu khách nhiệt tình thì vài trăm triệu đồng nhà điêu khắc cũng bán. Những tác phẩm chưa bán được lại để trưng bày khắp nơi, từ phòng khách đến chiếu nghỉ cầu thang tới phòng riêng của Tạ Quang Bạo. Anh dành hẳn tầng đầu tiên để làm tượng. Nhà điêu khắc chỉ ở trong một căn phòng diện tích vừa phải. Anh làm việc, tiếp khách, nghỉ ngơi ngay trong phòng.

Bây giờ Tạ Quang Bạo đã ngừng vẽ, tập trung vào điêu khắc. Công việc của anh khá bận rộn. Anh vẫn đi khắp các tỉnh thành trong nước. Có lẽ so với bậc đàn anh Lê Công Thành thì Tạ Quang Bạo năng động hơn. Anh cũng chính là họa sỹ Việt Nam đầu tiên có tranh bán tại Singapore. Hỏi: “Tranh anh vẽ gì?”. Tạ Quang Bạo cười: “Gái mú thôi”. “Gái mú” cũng có khi gây bão nhưng cũng lắm khi nuôi sống anh.

Người trong giới xếp Tạ Quang Bạo ở vị trí cao trong làng điêu khắc. Còn chính anh nhận: “Tôi đứng ở vị trí thứ 10. Tôi không tài bao nhiêu, chủ yếu là cần cù bù… thông minh”.Tài của Tạ Quang Bạo cho dù anh giả vờ không nhận thì thiên hạ đã nhận hộ anh rồi, còn phẩm chất cần cù ở nhà điêu khắc này, miễn phủ nhận. Có câu danh ngôn: “Người nghệ sỹ chẳng là gì nếu thiếu tài năng nhưng tài năng chẳng là gì nếu không có lao động” (Emile Zola). Có thời kỳ cậy khỏe, anh làm tượng thâu đêm suốt sáng, cả đêm vỗ bì bạch, may hàng xóm của anh toàn dân nghệ sỹ nên thông cảm không trách cứ anh làm ảnh hưởng giấc ngủ của họ: “Ngày xưa dại lắm, thức thâu đêm, già sọm, làm việc cật lực, trong cái đói nghèo”. Đó là hoàn cảnh sau năm 1975, không ai mua tượng. Hồi đó tượng của Tạ Quang Bạo chủ yếu được làm bằng thạch cao.

Sức khỏe của nhà điêu khắc mấy năm gần đây không được tốt. Cơn tai biến khiến việc đi lại của anh trở nên khó khăn, huyết áp không ổn định, biến bàn tay trái của anh trở thành bất lực: “Làm việc một tay buồn cười lắm, sự cân bằng không có, bởi mỗi khi cắt hay nặn đều cần cả hai tay”. Nhưng cản trở của sức khỏe không hạn chế sức sáng tạo của anh. Phụ giúp anh trong công việc đã có các học trò.

Tạ Quang Bạo quan niệm về cái đẹp: “Có những thứ rất đơn giản mà vẫn đẹp. Cái cầu kỳ chưa chắc đã đẹp”. Ông công nhận có chịu ảnh hưởng trong sáng tạo: “Ảnh hưởng cổ đại, ảnh hưởng những cái nguyên thủy là chính. Chính ở nguyên thủy có nhiều thứ rất mô- đéc”. Nói rồi ông mang cuốn sách đặt mua ở nước ngoài về nghệ thuật điêu khắc châu Phi cho tôi xem và chứng minh những tác phẩm điêu khắc thời hoang sơ đẹp tuyệt.

Con mọt sách

 Tạ Quang Bạo ham mê đọc sách đến độ anh tự nhận là “con mọt sách”. Anh thích đọc sách văn chương, nhớ vanh vách tên tác phẩm của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Anh cho rằng, sáng tác được tác phẩm dày dặn ngoài vốn sống đòi hỏi bề dày văn hóa của tác giả, điều này có vẻ văn chương ở ta chưa đáp ứng được.

Trong những gương mặt văn chương đương đại, anh thích Nguyễn Ngọc Tư nhưng vẫn còn tiếc nuối: “Nguyễn Ngọc Tư viết hay nhưng chưa viết được dài. Bởi vốn văn hóa vẫn chưa được sâu. Giống như tôi hay đọc sáng tác của cây bút da đen. Có người viết hay lắm song chỉ dừng ở 1, 2 quyển”.

Tạ Quang Bạo & “người tình” ở lại ảnh 3 Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (phải) và cố KTS Đoàn Đức Thành
MỚI - NÓNG