Suýt chết do kiến cắn

Suýt chết do kiến cắn
Mới đây, khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đã cứu sống một trường hợp đặc biệt, bệnh nhân bị sốc phản vệ do kiến cắn.
Suýt chết do kiến cắn ảnh 1
Bé H.Đ. tại bệnh viện - Ảnh: Bảo Ngọc

Đó là bé H.Đ., 8 tuổi, ở xã Thạnh Hòa, Phụng Hiệp, Hậu Giang, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng người lờ đờ, môi tái, chi lạnh, da trắng bệch, phù nề mi mắt, nổi mẩn đỏ ở lưng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, nôn ói. Bé được chẩn đoán sốc phản vệ do kiến cắn.

Theo mẹ của bé, cách đó khoảng ba giờ, trong lúc ăn mía thì bé bị kiến cắn miệng (theo dân gian gọi kiến này là kiến bù nhọt), sau đó bị phù nề môi, gia đình không xử trí gì.

Cách 30 phút sau bé bị nổi mẩn đỏ toàn thân, người nhà đưa bé đến trạm y tế và được cho thuốc chống dị ứng về nhà uống nhưng khoảng 30 phút sau bé bị ngất, tay chân lạnh. Bệnh nhân được đưa đến trạm y tế sơ cứu và chuyển đến bệnh viện.

Sau 15 phút được hồi sức tích cực bằng cách cho thở oxy, chống sốc… bé dần tỉnh, mạch nhẹ, huyết áp đo được nhưng thấp. Tiếp tục sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch và theo dõi sát. Sau hai giờ bé tỉnh, môi hồng, mạch, huyết áp ổn định. Và bé xuất viện sau ba ngày điều trị.

Sốc phản vệ là phản ứng quá mẩn tức thì (trong vài phút đến vài giờ), có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Nguyên nhân thường do thuốc, côn trùng (ong, sâu, kiến...) cắn, hoặc thức ăn, kết hợp với kháng thể dị ứng của bệnh nhân sẽ tiết ra các chất làm giãn mạch gây sốc.

Sau khi tiếp xúc với các nguyên nhân trên, bệnh nhân thường có những triệu chứng như nổi mề đay, đỏ da, ngứa, đau bụng, nôn ói, khó thở, sau đó dẫn đến trụy tim mạch.

Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời nếu không có thể dẫn đến tử vong. Để đề phòng trường hợp đáng tiếc xảy ra, người nhà cần nhớ những loại thuốc mà trẻ uống dễ gây dị ứng để thông báo cho bác sĩ khi đi khám bệnh, cũng như tránh các loại thức ăn mà sau khi ăn trẻ bị nổi mẩn đỏ, ngứa.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG