Lính Ukraine đứng gần chiếc xe quân sự ở khu vực gần biên giới Nga, ngày 16/8. (Ảnh: Reuters) |
Một số đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ Ukraine đưa quân vào tỉnh Kursk thuộc miền Tây nước Nga, và gọi đây là hành động tự vệ hợp pháp chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Mátxcơva ở Ukraine.
Tuy nhiên, một số người lên tiếng bày tỏ lo ngại, cả công khai và riêng tư, cho rằng nguy cơ leo thang chiến sự dẫn đến việc phải chuyển hướng nguồn lực khỏi chiến trường chính, khi Ukraine đang ở thế rất mong manh và có thể gây chia rẽ trong các nước hậu thuẫn Ukraine, các quan chức phương Tây giấu tên cho biết.
Cho đến nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto là quan chức cấp cao nhất trong NATO công khai chỉ trích động thái này, cho rằng hành động leo thang sẽ đẩy lệnh ngừng bắn "ngày càng xa hơn".
Tuy nhiên, phát biểu của ông nhanh chóng bị cấp trên - Thủ tướng Giorgia Meloni – gạt đi. Bà Meloni khẳng định việc Ý thúc giục lệnh ngừng bắn không làm thay đổi quan điểm ủng hộ hoàn toàn của Rome dành cho Kiev.
Theo những người hiểu rõ suy nghĩ của bà Meloni, nữ Thủ tướng Ý đang hạn chế các quan chức của chính phủ phát biểu công khai về cuộc xung đột, nhằm ngăn nguy cơ lộ ra những chia rẽ trong liên minh cầm quyền.
Yếu tố lớn nhất là chiến dịch tấn công của Ukraine vào đất Nga không rõ ràng về mục tiêu, khiến các đồng minh của Ukraine bất ngờ. Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, nếu mục đích của Tổng thống Volodymir Zelensky là giành được quyền mặc cả lớn hơn thì thời điểm của cuộc tấn công có thể không có lợi cho ông.
Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn giữ thái độ dè dặt trong cách phản ứng. Phó phát ngôn viên của chính phủ, ông Wolfgang Buechner, nói rằng cuộc tấn công “dường như được chuẩn bị bí mật tuyệt đối".
Đầu tuần này, ông Buechner cho biết Berlin sẽ “trao đổi chuyên sâu” với các đồng minh về việc sử dụng vũ khí và khí tài của phương Tây, bao gồm các xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức, trong cuộc tấn công vào đất Nga.
Cho đến nay, Ukraine khẳng định cuộc tấn công thành công về chiến thuật. Kể từ khi đưa quân tràn qua biên giới ngày 6/8, quân đội Ukraine cho biết đã giành được quyền kiểm soát hơn 1.000 km2 và buộc nhiều binh lính Nga phải đầu hàng.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cho biết, các báo cáo ban đầu cho thấy một số đơn vị của Nga đã được điều từ Ukraine về tỉnh Kursk để ngăn chặn quân Ukraine.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc khẳng định cuộc tấn công của Ukraine phù hợp với chính sách của Washington về việc sử dụng vũ khí mà Mỹ cung cấp.
Ngày 15/8, bà Singh cho biết Mỹ "vẫn đang cố gắng tìm hiểu thêm" về các mục tiêu của Ukraine.
Thay đổi nhận thức
Theo một quan chức phương Tây, các đồng minh NATO cho rằng Ukraine khó có thể giữ được quyền kiểm soát lãnh thổ của Nga. Ngoài tỉnh Kursk, lực lượng Ukraine đã tấn công các cơ sở năng lượng nằm sâu trong lãnh thổ Nga và vùng Belgorod lân cận.
Sự ủng hộ mạnh mẽ nhất dành cho Kiev đến từ các thành viên NATO ở Đông Âu. Trong tuần này, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định chiến dịch tấn công của Ukraine không làm thay đổi "một chút nào" sự ủng hộ của Warsaw.
"Chúng tôi ủng hộ Ukraine và không có gì để thảo luận ở đây. Tôi biết và tất cả chúng ta đều biết rủi ro là gì”, ông Tusk nói và cũng gạt bỏ những lo ngại về việc Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để đánh vào Nga.
Cuộc tấn công một lần nữa đặt ra vấn đề các đồng minh áp đặt hạn chế đối với việc Ukraine dùng vũ khí của họ ở Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Laurynas Kasciunas gọi chiến dịch tấn công vào Kursk là "dấu hiệu tốt".
"Một dấu hiệu tốt khác là được phép sử dụng các vũ khí tầm xa và những gì các bạn có để tấn công mục tiêu sâu hơn trong lãnh thổ của đối phương, và chúng tôi sẽ vận động cho điều đó", ông Kasciunas cho biết.
Trong khi các quốc gia Baltic và Vương quốc Anh ủng hộ Kiev tấn công những mục tiêu sâu trong lãnh thổ của Nga, một số quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Đức, có vẻ chưa đồng ý.
Nhìn rộng hơn, cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga có thể thay đổi nhận thức về khả năng chiến đấu của Ukraine. Donald Jensen, cố vấn cấp cao về Nga và châu Âu tại Viện Hòa bình Mỹ, nói rằng Ukraine đang thua trên chiến trường, nhưng tất cả đã thay đổi "sau một đòn đánh ngoạn mục".
"Chúng tôi thấy người Ukraine rất sáng tạo, hiệu quả, quản lý tốt. Họ rất khéo léo chọn điểm yếu của đối phương để tận dụng nó”, ông nhận xét.
Một phụ tá của Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây và NATO đã tham gia lên kế hoạch cho cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào tỉnh Kursk.
Ông Nikolai Patrushev, một cựu chiến binh có ảnh hưởng đáng kể trong Điện Kremlin, bác bỏ lý lẽ của phương Tây trong cuộc phỏng vấn với báo Izvestia.
"Chiến dịch ở tỉnh Kursk được lên kế hoạch với sự tham gia của NATO và các cơ quan đặc biệt của phương Tây. Nếu không có sự tham gia và hỗ trợ trực tiếp của họ, Kiev sẽ không mạo hiểm tiến vào lãnh thổ Nga", ông nói.