Sức mạnh dân túy

Sức mạnh dân túy
TP - Ngay khi vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 3-7, lãnh đạo đảng Pheu Thai đã tỏ rõ tư tưởng dân túy (coi nhân dân là tinh hoa, bảo vệ nguyện vọng và quyền lợi của dân).

Sẽ lập chính phủ liên hợp 5 đảng
> 'Nữ tướng' Thái Lan hân hoan mừng chiến thắng

Đây được cho là sức mạnh chính giúp đảng này vượt qua đảng Dân chủ cầm quyền ở Thái Lan, bằng việc tuyên bố: Chính quyền liên minh, đứng đầu là Pheu Thai sẽ quyết định, kể từ tháng 2-2012 tăng mức lương ngày tối thiểu lên 300 baht (khoảng 200.000 đồng) trên toàn quốc. Tức là lương một ngày của lao động Thái sẽ tăng từ 40-90% tùy khu vực.

Suchart Thada-Thamrongvech, cựu bộ trưởng tài chính và hiện là trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế của Pheu Thai nói, dù chưa quyết định tăng lương “một cục” hay dần dần, nhưng chính đảng này đã cam kết thực thi kế hoạch, được cho là sẽ đem lại lợi ích cho 9 triệu công nhân Thái.

Tất nhiên, giới doanh nhân Thái, những người ủng hộ đảng Dân chủ, chẳng lấy gì làm vui vẻ. Đã có ngay những lời ta thán, dự đoán bi quan về tương lai, về khả năng lạm phát cao sẽ xuất hiện nhưng có vẻ không lay chuyển được lãnh đạo Pheu Thai mà cụ thể là Yingluck Sinawatra, chủ tịch đảng, người gần như chắc chắn sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Các kinh tế gia của Pheu Thai ngay lập tức bác bỏ nguy cơ lạm phát do tăng lương, cho rằng tính đến thời điểm này, chỉ số lạm phát chủ yếu do giá dầu tạo ra.

Sức mạnh của Pheu Thai, hay nói rộng ra là sức mạnh của đa số người dân Thái Lan còn được thể hiện qua thái độ của quân đội nước này. Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha từng phải cực chẳng đã làm một việc hiếm thấy đối với tư thế trung lập của quân đội: Trước buổi tổng tuyển cử một tuần, khi thấy đảng Dân chủ đang tỏ ra hụt hơi trước Pheu Thai, ông Prayuth đã lên các phương tiện truyền thông kêu gọi dân chúng bỏ phiếu cho “những người tốt”.

Đồng thời, trong các doanh trại quân đội, tại nơi công cộng, người ta cho chiếu đi chiếu lại những đoạn băng quay cảnh “gây rối” của những người áo đỏ ủng hộ Pheu Thai, ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Sinawatra.

Và các nhà phân tích đã từng đặt ra khả năng quân đội làm đảo chính khi kết quả bầu cử nghiêng về Pheu Thai (việc này đã có tiền lệ: Ông Thaksin, anh trai bà Yingluck đã bị quân đội phế truất hồi tháng 9-2006 sau một cuộc đảo chính quân sự). Tuy nhiên, tình thế nay đã khác. Ông Prayuth đã sớm phải tuyên bố sẽ không có bạo lực. Vì ngay trong hàng ngũ của ông là những người lính được mệnh danh “lính dưa hấu”.

Tức là quân phục thì màu xanh, nhưng bên trong, họ là “đỏ”, ủng hộ những chính đảng, chính phủ dân túy, ủng hộ Thaksin và Pheu Thai. Gần như toàn bộ lính tráng đều xuất thân từ nông dân nghèo và rất khó để họ quay súng vào cha, anh mình để lặp lại một cuộc đụng độ đẫm máu làm gần 100 người thiệt mạng hồi năm 2010 nữa.

Phó thủ tướng sắp mãn nhiệm Suthep Thaugsuban của đảng Dân chủ vừa phải thừa nhận rằng: Đảng Dân chủ thất bại trước Pheu Thai là vì không có được một “đại bản doanh” tập trung những người ủng hộ như Pheu Thai, chính đảng chiếm được lòng tin của đa số dân nghèo thành thị và đặc biệt là nông dân vùng đông bắc Thái Lan.

Mặc dù theo ông Suthep, đảng Dân chủ đã bắt tay thực hiện chiến lược xây dựng “căn cứ của lòng tin” cho mình, nhưng “công việc này phải mất nhiều năm”, và giờ đây, chính quyền đã sắp không còn trong tay những người Dân chủ.

Bà Yingluck bác bỏ “là con rối của anh trai”

Thủ tướng sắp kế nhiệm của Thái Lan, bà Yingluck Sinawatra đã khẳng định rằng sẽ ra những quyết định độc lập với tư cách lãnh đạo quốc gia chứ không phải làm con rối của người anh trai đang sống lưu vong, cựu thủ tướng Thaksin Sinawatra.

Hôm qua, bà Yingluck nói 20 năm kinh nghiệm trong thương trường đã chứng tỏ bà có thể đưa ra các quyết định độc lập, theo AP. Nhưng Yingluck nói bà sẽ tham vấn với các chuyên gia quản lý của đảng Pheu Thai, những người đã giúp bà chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, và những thành viên nội các mà bà sẽ chỉ định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG