Trong lĩnh vực hành chính, theo bộ trưởng, Bộ Y tế hiện hoàn toàn điều hành bằng điện tử, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số. Bộ cũng đang đưa vào vận hành ứng dụng theo dõi tiến độ, chất lượng xử lý văn bản, các điểm khúc mắc trong xử lý văn bản, từ đó đánh giá chất lượng hoàn thành công việc của các đơn vị trực thuộc. Đây sẽ là động lực để các đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
“Dù là bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước hạn Chính phủ giao nhưng chúng tôi không vì thế mà hài lòng. Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục cải cách hành chính, cam kết cắt giảm tiếp 30% thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Bộ trưởng thừa nhận trước nay ngành y tế luôn có nhiều điều tiếng về giá thuốc, trang thiết bị thiếu công khai, minh bạch. Vì vậy tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã khai trương cổng công khai y tế, minh bạch toàn bộ dịch vụ ngành y tế cung ứng cho người dân. Trong đó, đã công khai thông tin 62.438 kết quả dược phẩm, hơn 93 nghìn kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế đã thực hiện công khai giá dịch vụ…
Sắp tới, bộ sẽ từng bước công khai tất cả điểm bán lẻ dược phẩm, giá thực phẩm chức năng, giúp người dân dễ dàng tra được giá thuốc, so sánh giá bán tại các cửa hàng trong khu vực để có lựa chọn phù hợp nhất...
Trong công tác phòng chống COVID-19 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh công nghệ thông tin đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19...
“Đến nay, Việt Nam là một trong những nước chống dịch COVID-19 thành công nhất với chi phí mô hình tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.
Một nội dung gây ấn tượng và tạo thuận lợi cho người dân là hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Chỉ sau 45 ngày, Việt Nam đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa và hiện số lượng bệnh viện tham gia mạng lưới này vượt trên 1.500 cơ sở, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại tuyến dưới.
“Có những cơ sở y tế chưa từng mổ sọ não, muốn mổ phải di chuyển bệnh nhân 6 tiếng lên bệnh viện trung ương nhưng như vậy bệnh nhân sẽ tử vong. Nhờ khám chữa bệnh từ xa, bác sĩ tuyến trung ương hướng dẫn từ xa cho tuyến dưới, bệnh nhân được mổ ngay tại tuyến dưới, sau 2 tuần rất khoẻ mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn chứng và cho biết tới đây sẽ tiếp tục kết nối hệ thống này và mở rộng ra các hệ thống y tế tư nhân, tạo sự đồng đều. Trong mục tiêu chuyển đổi số y tế đến năm 2025, 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa.
Hướng tới nền y tế thông minh
Với hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay trước đây nhiều tỉnh có phần mềm nhưng là “hồ sơ chết” vì không được bổ sung, cập nhật, không được cơ quan y tế sử dụng. Để khắc phục, Bộ Y tế đã phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong thời gian qua đã thiết lập gần 98 triệu hồ sơ sức khoẻ với 42 chuyên khoa (bệnh án) điều trị ngoại trú, tuyến xã tuyến huyện đều có thể áp dụng. Tháng 3/2021, Bộ Y tế cũng sẽ ứng dụng AI trong quản lý, cấp phép dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm...
Từ tháng 7/2021, tại các cơ sở y tế toàn quốc, tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khoẻ cá nhân, bỏ hoàn toàn giấy, nếu không có sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế. “Đây là yêu cầu cao nhưng sẽ thực hiện được” - Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định Bộ Y tế đang gấp rút, tích cực xây dựng nền y tế thông minh, từ đó, mong muốn đẩy nhanh bệnh viện không giấy, bệnh án điện tử ngoại trú.
Theo đó nền tảng kết nối thông tin y tế cơ sở V20 cũng sẽ được khai trương trong dịp này, được kỳ vọng tạo ra thay đổi toàn diện cho gần 12.000 trạm y tế trên khắp cả nước.
Trước đây, mỗi trạm y tế tốn 50-75% thời gian để viết, báo cáo dữ liệu giấy, giờ sẽ sử dụng duy nhất một phần mềm. Từ tháng 1/2021 sẽ bắt đầu áp dụng trên toàn quốc và giấy tờ sẽ dần được loại bỏ. Với phần mềm này, Sở Y tế có thể nhìn thấy toàn bộ dữ liệu của các trạm y tế tuyến xã thuộc địa phương mình quản lý. Bộ Y tế nếu cần tìm hiểu cũng có thể biết tường tận dữ liệu của gần 12.000 trạm y tế trên toàn quốc.
“Mục tiêu của ngành y tế là xây dựng nền y tế thông minh. Cơ sở y tế dành thời gian cho khám bệnh chữa bệnh chứ không phải dành thời gian cho thủ tục, giấy tờ”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Bộ Y tế là đơn vị tiên phong, đi đầu về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống COVID-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu giúp ngành Y tế phát triển công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động khám bệnh, phòng, chữa bệnh cho nhân dân.