Con chưa đến tuổi tiêm phòng đã mắc sởi: Phòng bệnh thế nào?

Điều trị cho trẻ mắc sởi tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Internet
Điều trị cho trẻ mắc sởi tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Internet
TPO - Số ca mắc sởi đang tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt có bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi phải nhập viện điều trị sởi, độ tuổi chưa được thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi. 

Những tháng đầu năm 2019, tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt có bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi phải nhập viện điều trị sởi, độ tuổi chưa được thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi.

Bệnh nhi T.M.C, 7 tháng tuổi (tại Đoan Hùng, Phú Thọ) phải vào viện điều trị sởi với biểu hiện sốt cao (38,5 độ C), kèm theo chảy nước mũi, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân, nhiều nhất vùng mặt, ngực, bụng, lưng.

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, tình hình bệnh sởi trong cả nước đang diễn biến rất phức tạp. Điều bất thường trong đợt dịch sởi này là nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc, trong khi độ tuổi này chưa đến thời gian tiêm chủng và thường chỉ có miễn dịch từ mẹ (truyền từ sữa mẹ).

Vì thế, trẻ mắc sởi có thể do mẹ chưa có miễn dịch (chưa được tiêm chủng, chưa từng mắc sởi). Ở độ tuổi này, trẻ bị sởi rất dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và khó khăn trong chăm sóc và điều trị.

Các bác sĩ khuyến cáo, với các trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin sởi cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những ai nghi ngờ mắc sởi, những nơi đông người, không đến vùng diễn ra dịch.

Các mẹ trước khi mang thai nên tiêm phòng đầy đủ và hoàn thành lịch tiêm trước 3 tháng các loại vắc xin Sởi – quai bị - rubella; Thủy đậu; Cúm để tạo miễn dịch cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai.

Trẻ em đến độ tuổi tiêm chủng cha mẹ phải đưa trẻ đến trạm xá hoặc cơ sở y tế có dịch vụ tiêm chủng để tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho trẻ.

Con chưa đến tuổi tiêm phòng đã mắc sởi: Phòng bệnh thế nào? ảnh 1 Một trong những triệu chứng của trẻ mắc sởi là ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay. Ảnh minh hoạ: Internet

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sởi

– Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau:

+ Sốt cao > 39°C.

+ Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng

+ Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.

+ Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.

Khi nào cần đưa trẻ mắc sởi đến các cơ sở y tế?

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:

– Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.

– Khó thở, thở nhanh.

– Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…

- Phát ban toàn thân mà vẫn sốt

MỚI - NÓNG