Bệnh nhân Hoàng Thị Thu, 34 tuổi (quê Thanh Trì, Hà Nội) vào Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp khám vì rỉ dịch rốn. Theo chị Thu, nhiều năm nay xuất hiện viêm đỏ, sưng nề, rỉ dịch vùng rốn từng đợt. Một tuần nay rốn viêm đỏ, lúc đầu ấn đau, rỉ dịch trong, sau rỉ dịch mủ hôi, không sốt, không đau bụng, đại tiểu tiện bình thường. Ở nhà bệnh nhân tự dùng thuốc ở hiệu thuốc (không rõ loại thuốc), ngày nay rốn đỡ tấy đỏ nhưng vẫn còn rỉ dịch nên đã đến bệnh viện khám.
Theo BSCK II. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh thâm nhiễm mỡ tổ chức quanh rốn kích thước 3x3cm. Kết quả chụp CT thấy rõ hình ảnh còn ống niệu rốn.
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật nội soi cắt ống niệu rốn cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, không phù, không xuất huyết dưới da, hạch ngoại biên không sờ thấy, tuyến giáp không to….
BSCK II. Nguyễn Thanh Tùng cho hay, bệnh lý còn ống niệu rốn tương đối ít gặp. “Bình thường thì ống niệu rốn nối từ xoang niệu sinh dục và rốn sẽ được đóng kín và xơ hóa thành dây chằng rốn-bàng quang từ trong thời kỳ bào thai. Khi ống niệu-rốn tồn tại một phần hoặc toàn bộ sẽ gây ra rỉ nước tiểu ở rốn, nhiễm trùng rốn và có thể hóa ác tính về sau”- BS. Tùng nói.
Những bệnh nhân mắc bệnh lý còn ống niệu rốn thường có triệu chứng lâm sàng điển hình là rốn ướt có thể ướt từ lúc mới sinh, viêm rốn tái phát nhiều lần. Trên siêu âm và CT có thể thấy rõ hình thái của bệnh lý tồn tại ống niệu rốn.
BS. Tùng khuyến cáo, bệnh nhân còn ống niệu rốn cần được để giải quyết thương tổn, ngăn ngừa các biến chứng do bệnh lý ống niệu-rốn có thể gây ra. Nếu không được điều trị bằng phẫu thuật, bệnh có thể thoái hóa ác tính về sau.