Theo BS CK II Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế BV Thống Nhất (TPHCM), rượu nếp cái, có nơi gọi là cơm rượu được chế biến từ gạo nếp theo cách đồ chín gạo nếp thành xôi, để nguội và ủ với men rượu cho lên men thành rượu. Chính bởi vị cay nồng, cơm rượu trở thành món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm dân gian vào ngày này, con người phải ăn những thứ cay, nóng, chua, đắng để giết “sâu bọ” (giun, sán, ký sinh trùng) trong cơ thể.
Trong thành phần của món ăn này ngoài rượu, nếp, theo BS Loan, chúng còn chứa nhiều đường glucose (một loại đường hấp thu nhanh); hàm lượng rượu tùy theo thời gian được ủ. Đây là thực phẩm giàu tinh bột, giàu vitamin nhóm B, B1 và chứa nhiều có năng lượng. Đặc biệt cơm rượu được làm từ nếp than có màu đen còn chứa chất chống oxy hóa anthrocyamin có tác dụng phòng chống bệnh lý ung thư.
Dù có nhiều lợi ích nhưng BS Lan cho rằng không phải người nào cũng có thể ăn và ăn vô tội vạ món cơm rượu. Những đối tượng không nên ăn và ăn quá nhiều loại thực phẩm này bao gồm: trẻ nhỏ, những người bị tiểu đường và có bệnh lý về dạ dày. Bên cạnh đó, những người muốn giảm cân thì đây không phải là thức ăn nên dùng.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, những người đang có dấu hiệu dị ứng, chàm, hay mụn nhọt cũng không nên ăn cơm rượu vì sẽ làm cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
“Thực tế chưa ai chứng minh được lợi ích diệt kí sinh trùng từ món cơm rượu ngoại trừ quan niệm của người xưa. Nhưng đây vẫn là một món ăn ngon và giàu dinh dưỡng nếu ăn đúng cách. Mọi người nên chọn ăn những loại cơm rượu được lên men tối đa là 4 ngày, không ủ quá lâu và nên chọn những cơ sở uy tín, chất lượng. Thêm vào đó, nên ăn cơm rượu sau bữa ăn như một món tráng miệng, tránh ăn lúc đói và chỉ nên ăn 1-2 viên, không nên ăn nhiều”, BS khuyến cáo.