Người bị đột quỵ tập luyện kiểu này dễ tàn phế suốt đời

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân đột quỵ cần tích cực đi lại, chủ động vận động, nhưng cần được hướng dẫn vận động đúng cách, bởi tập luyện sai sẽ gây hại cho bệnh nhân hoặc dẫn tới những hậu quả xấu.
Theo PGS.TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi Chức năng, BV Bạch Mai, đột quỵ não là căn bệnh thường gặp, đặc biệt di chứng sau đột quỵ rất nặng nề. Chính vì thế đột quỵ được xếp vào loại tổn thương đa khiếm khuyết, tức là khi bị đột quỵ, người bệnh không chỉ bị ảnh hưởng tới chức năng vận động, mà cả tâm lý, nhận thức, ngôn ngữ… đều sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những ảnh hưởng sau đột quỵ nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương, mức độ tổn thương , bệnh nhân có được cấp cứu đúng cách không, có được đưa đến cơ sở y tế kịp thời hay không…. Nguyên tắc của PHCN sau đột quỵ là cần phải can thiệp sớm, đúng cách, kiên trì, liên tục. Bản thân người thân và người bệnh đột quỵ thường lo sợ khi tập vận động sẽ bị tái phát hoặc bị chảy máu não trở lại, có người nằm kiêng tuyệt đối trên giường 5-6 tháng như vậy sẽ mất thời gian vàng để phục hồi chức năng. Hiện nay các khuyến cáo mới nhất trên thế giới khuyến cáo, bệnh nhân sau đột quỵ não cần phải tập PHCN ngay khi ổn định, thậm chí ngay khi còn nằm trên giường bệnh, 3-4 ngày sau đột quỵ bác sĩ đã khuyến cáo tập PHCN.
Người bị đột quỵ tập luyện kiểu này dễ tàn phế suốt đời ảnh 1 Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân đột quỵ cần tích cực đi lại, chủ động vận động, nhưng cũng cần được các chuyên gia y tế đánh giá xem các hình thức vận động có đúng cách không, bởi nếu không còn có hại cho bệnh nhân hoặc dẫn tới những hậu quả không mong muốn. Ảnh minh hoạ: Internet
PGS Khanh cho biết, tại Trung tâm phục hồi chức năng, BV Bạch Mai, thông thường một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu đúng, đến viện điều trị kịp thời, tập luyện sớm, đúng cách, sau 4-6 tuần tập luyện, có tới 70-80% bệnh nhân có thể tự đi lại với sự hỗ trợ của người khác hoặc dụng cụ hỗ trợ. “Mốc thời gian bệnh nhân tiến triển rõ rệt nhất là trong 3 tháng đầu sau đột quỵ, khả năng phục hồi sẽ chậm dần đến tháng thứ 6 và gần như thành 1 đường thẳng ổn định sau 1 năm, lúc đó chúng tôi gọi là di chứng sau đột quỵ”, PGS Khanh nói. PGS Lương Tuấn Khanh cho biết, bác sĩ đã từng chứng kiến nhiều trường hợp phục hồi rất kỳ diệu. Lúc mới nhập viện, bệnh nhân gần như chỉ nằm trên giường, luôn cần người hỗ trợ, nhưng chỉ sau vài tháng tập luyện đúng cách, bệnh nhân đã đi lại được. Tại Trung tâm PHCN BV Bạch Mai, bệnh nhân được tập luyện bài bản, cá thể hóa trong từng bài tập tùy theo tổn thương, mức độ bệnh, thể trạng của bản thân mỗi người. Đặc biệt việc phối hợp nhiều phương pháp trong tập luyện rất quan trọng. PGS Khanh lấy ví dụ, như kết hợp vận động trị liệu, hoạt động trị liệu (chi trên hoặc nhận thức), phối hợp với ngôn ngữ trị liệu trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng nuốt, tâm lý trị liệu, hoặc phối hợp với các chuyên gia chỉnh hình thiết kế các nẹp hỗ trợ bệnh nhân vận động….. Cần can thiệp đa mô thức để PHCN cho người bệnh.
Người bị đột quỵ tập luyện kiểu này dễ tàn phế suốt đời ảnh 2 PGS Khanh khuyên, người nhà nên trở thành một thành phần điều trị cho bệnh nhân, cả bệnh nhân và người nhà đều cần được hướng dẫn để tập luyện cho người bệnh đúng cách bởi nếu không có khi lại thành có hại cho bệnh nhân. Ảnh minh hoạ: Internet
PGS Khanh nói: “Người bệnh và cả người nhà không nên hiểu đơn giản là tập luyện sẽ khỏi bệnh, đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Bản chất của phục hồi chức năng là can thiệp giúp bệnh nhân độc lập tối đa với mức tổn thương của họ, giúp họ bình thường nhất với tình trạng của mình”. Có nhiều người bệnh đột quỵ khi được cho ra viện về nhà rất năng tập luyện, đi lại những mong sẽ hồi phục hoàn toàn như bình thường. Thực tế là nhiều người có tư thế đi sai, ví dụ như bàn chân kéo lê “như phạt cỏ”, dáng đi lệch vẹo…. nếu đi lại như vậy lâu dần sẽ thành thói quen sai, khiến bàn chân bị lệch, vẹo, thậm chí biến dạng. PGS Khanh cho rằng, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân đột quỵ cần tích cực đi lại, chủ động vận động, nhưng cũng cần được các chuyên gia y tế đánh giá xem các hình thức vận động có đúng cách không, bởi nếu không còn có hại cho bệnh nhân hoặc dẫn tới những hậu quả không mong muốn. PGS Khanh khuyên, người nhà nên trở thành một thành phần điều trị cho bệnh nhân, cả bệnh nhân và người nhà đều cần được hướng dẫn để tập luyện cho người bệnh đúng cách bởi nếu không có khi lại thành có hại cho bệnh nhân. Quá trình PHCN của bệnh nhân tại bệnh viện chỉ kéo dài khoảng từ 2-3 tháng, trong khi người bệnh phải tập luyện hàng tháng, hàng năm sau đó.

Triệu chứng đột quỵ:

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện như:

- Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, kèm theo cứng cổ, nôn.

- Gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác nói gì, yếu đột ngột ở một phần cơ thể.

- Nhìn khó khăn: mắt mờ hoặc mù một bên hoặc nhìn thấy hình đôi.

- Tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu.

- Mất ý thức: người bệnh sững sờ, không biết gì, khó đánh thức hoặc hôn mê đột ngột, đôi khi tử vong ngay.

Các dấu hiệu này có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại trạng thái bình thường. Hiện tượng này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước đặc biệt quan trọng của đột quỵ và người bệnh cần được nhập viện ngay. 

MỚI - NÓNG