Bộ trưởng cho biết, do thời gian từ lúc vắc xin được sản xuất ra đến nay chưa đủ dài để theo dõi đánh giá nên giữa các hãng sản xuất vắc xin đưa ra thời gian hiệu lực bảo vệ khác nhau. Có hãng đánh giá thời gian bảo vệ 6 tháng nhưng có hãng lại khẳng định vắc xin có thời gian bảo vệ lên đến 2 năm.
“Song song với đó chúng ta phải tập trung nghiên cứu sản xuất vắc xin nội. Do vắc xin mới nên triển khai rất thận trọng, đánh giá những vấn đề liên quan đến vắc xin này”, Bộ trưởng nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hiện số lượng vắc xin còn hạn chế, hy vọng tháng 3 có 1,3 triệu liều của Covax Facillity. Tháng 4-5 lượng vắc xin sẽ tăng lên. Do lượng vắc-xin còn hạn chế nên Bộ Y tế sẽ dành những liều đầu tiên cho đối tượng phòng chống dịch là những nơi đang trực tiếp điều trị bệnh nhân, những người truy vết, xét nghiệm, lấy mẫu.
Không phân bổ 63 địa phương mà ưu tiên 13 tỉnh có dịch trong đó Hải Dương là tỉnh đầu tiên được tiêm do nơi đây có diễn biến dịch mạnh nhất. Tiếp đó sẽ tiêm cho nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
“Do lần đầu sử dụng nên phải đảm bảo an toàn tối đa nhất cho người được tiêm. Sàng lọc trước tiêm là điểm khác biệt vì trước đây tiêm vắc xin không cần công đoạn này. Nhân viên y tế phải hỏi và khám người được tiêm để an toàn. Điểm khác thứ 2 là quản lý trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ của từng người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
“Chắc chắn có những tai biến không không muốn xảy ra nhưng không vì vậy mà chúng ta chần chừ không tiêm. Hiệu quả bảo vệ không đạt 100% nhưng nó bảo vệ người được tiêm nếu mắc bệnh sẽ nhẹ hơn và không tử vong. Song song với vắc-xin chúng ta phải đảm bảo 5K”, ông Long cho hay.
Bộ Y tế thông tin, trong lộ trình trong năm nay sẽ tiêm cho người dân theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Những lô vắc xin sau sẽ bớt thời gian điểm định do chúng ta đã làm rất kỹ lần đầu tiên để đánh giá độ an toàn của vắc-xin này.
Ông Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sử dụng cơ sở tiêm chủng mở rộng hoặc cơ sở tiêm chủng dịch vụ để triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện sẽ tiêm cho nhân viên y tế của mình. Tổ chức các đội cấp cứu hỗ trợ điểm tiêm để xử lý tai biến không mong muốn, chuẩn bị một cơ số giường bệnh cho tình huống người tiêm cần sử dụng.
Về việc tiếp cận vắc xin qua COVAX Facility của Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đăng ký và được phê duyệt, trở thành 1 trong 92 nước nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vắc-xin giai đoạn đầu tiên. Cơ chế này do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Chương trình tiêm chủng mở rộng (GAVI), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI)… xúc tiến, để cung cấp vắc xin một cách công bằng cho các quốc gia đang phát triển. COVAX Facility chủ yếu sử dụng vắc-xin AstraZeneca, cung ứng cho Việt Nam khoảng 5 triệu liều vào năm 2021, còn lại khoảng 25 triệu liều sẽ cung ứng vào năm 2022.
TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cũng giống như các loại vắc-xin khác sẽ có những phản ứng phổ biến trên 10% như đau cơ, đau khớp, ngứa, mệt mỏi, ớn lạnh, rét run, sốt, khoảng 10% có biểu hiện sưng đỏ tại chỗ tiêm. Bên cạnh đó có tỷ lệ nhỏ bị sốc trong 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng muộn sau tiêm. Tuy nhiên hiện nay Tổ chức Y tế thế giới chưa có số liệu về các tai biến khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.