Sữa mẹ và chuyện nuôi con bằng sữa người khác

Khi xin sữa, cần ghi lại ngày giờ trên bình chứa để sử dụng an toàn.
Khi xin sữa, cần ghi lại ngày giờ trên bình chứa để sử dụng an toàn.
Tôi được biết chuyện "xin sữa, cho sữa" đối với các bà mẹ là chuyện nhỏ vì họ quan niệm đó là làm phúc. Hơn nữa, với những bà mẹ thừa sữa thì "cho sữa" sẽ giảm bớt hiện tượng căng tức hai bầu ngực nhưng thực tế số người "xin sữa" lại không nhiều vì họ chưa hiểu hết tầm quan trọng của sữa mẹ, cũng như trên thị trường đã có sẵn hàng chục loại sữa bột với những lời quảng cáo về chất lượng kêu như sấm!

Tôi có anh bạn, vợ mới sinh con đầu lòng. Hôm vừa rồi đến thăm, tôi thấy anh đang loay hoay xếp mấy chai sữa vào tủ lạnh. Ngạc nhiên, tôi hỏi anh vì sao không cho cháu bú sữa mẹ mà lại uống sữa ngoài sớm thế thì anh đáp: "Không phải sữa ngoài, vợ tôi ít sữa nên tôi xin của một chị hàng xóm, cũng vừa mới sinh xong".

Đem chuyện này hỏi người quen là bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Hùng Vương, BS ấy nói: "Ngoài xã hội, chuyện xin sữa của người khác về cho con mình bú là chuyện bình thường, còn ở BV Hùng Vương, từ năm 1995 đã thành lập Ngân hàng sữa mẹ nhưng chỉ dành cho những sản phụ có con mắc các bệnh lý sơ sinh và sữa của người nào dùng cho con của người đó. Hiện tại, mỗi ngày có từ 30 đến 35 lượt sản phụ gửi sữa cho Phòng Sữa - Khoa Dinh dưỡng và mỗi ngày cũng có khoảng 15 đến 20 trẻ nhận sữa mẹ từ ngân hàng".

Ở BV Từ Dũ, mặc dù chưa có ngân hàng sữa mẹ nhưng các sản phụ vẫn dễ dàng xin sữa của nhau. Tại Khoa Hậu sản, chị Dung, 31 tuổi, nhà ở quận 3, sinh xong bị tắc sữa. Chị nói: "Cùng phòng với tôi có chị Hậu, vừa sinh được 3 ngày, sữa nhiều, ngực căng tức nên mỗi ngày chị vắt cho tôi 2 lần, mỗi lần khoảng 20 đến 25ml".

Đặc biệt hơn, cũng tại Khoa Hậu sản, một nữ hộ sinh cho tôi biết mấy ngày trước có sản phụ tên Thi, mất sữa, được một sản phụ khác tên Diệp, bảo "hàng ngày cứ đem con qua đây tôi cho bú, bú no thì thôi".

Tìm hiểu thêm, tôi được biết chuyện "xin sữa, cho sữa" đối với các bà mẹ là chuyện nhỏ vì họ quan niệm đó là làm phúc. Hơn nữa, với những bà mẹ thừa sữa thì "cho sữa" sẽ giảm bớt hiện tượng căng tức hai bầu ngực nhưng thực tế số người "xin sữa" lại không nhiều vì họ chưa hiểu hết tầm quan trọng của sữa mẹ, cũng như trên thị trường đã có sẵn hàng chục loại sữa bột với những lời quảng cáo về chất lượng kêu như sấm!

Theo một khảo sát của BS Trúc Mai, BV Hùng Vương, TP HCM, thì việc không nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Cũng theo khảo sát này, 97% các bà mẹ vẫn ý thức được việc cho con bú nhưng chỉ 55% trong số họ là cho con bú ngay 1 giờ đầu sau khi sinh. 43% bà mẹ hiểu rằng sữa mẹ là nguồn thức ăn chính cho trẻ dưới 6 tháng tuổi nhưng chỉ có 10% nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới - nghĩa là trong 6 tháng đầu, họ không cho trẻ ăn uống thêm bất cứ thứ gì khác ngoài sữa mẹ, còn những bà mẹ có ý định cho con bú đến 2 năm chỉ chiếm 36,5%.

Theo BS Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, BV quận 3, tỉ lệ cho con bú lại còn tùy thuộc vào người sống ở thành thị hay nông thôn: "Với những sản phụ sống ở thành phố, chỉ có 1 trong 3 người cho con bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Tại các vùng nông thôn, con số này là 2 trong 3 sản phụ. Nguyên nhân chính của việc không cho con bú sớm là do bà mẹ không có đủ sữa, do sinh mổ, do tách riêng bà mẹ và trẻ sau khi sinh, cơ sở y tế quá tải và sự sẵn có của sữa bột, chưa kể có người còn sợ… xấu bộ ngực nên không dám cho con bú!".

Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ lại nghe theo lời truyền khẩu, cho trẻ uống mật ong, nước cam thảo, nước đường… trước khi cho bú lần đầu. Lại có những bà mẹ vì công việc, hoặc nghĩ rằng mình không đủ sữa để cho con bú đến 6 tháng tuổi nên khi trẻ mới được 4 tháng, họ đã cho ăn bổ sung bằng sữa bột và một số thức ăn khác.

Khi mang thai, các tuyến sữa trong ngực người phụ nữ bắt đầu sản xuất sữa. Sữa được các cơ ngực co bóp để đẩy vào các ống dẫn sữa rồi cùng với sự phát triển của thai nhi, các ống dẫn sữa cũng tăng kích thước và số lượng. Trung bình, một bà mẹ có khoảng 9 ống dẫn sữa - hoặc nhiều hơn - ở mỗi bầu ngực trong giai đoạn đứa bé chào đời. Lúc này, sữa tiết ra là sữa non, chứa nhiều protein, ít chất béo.

BS Hồng cho biết: "Với trẻ sơ sinh, sữa non dễ tiêu hóa đồng thời nó còn có các kháng thể chống lại bệnh tật - được gọi là globulin miễn dịch - giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường và bệnh bạch cầu, bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tai và một số bệnh dị ứng như hen suyễn, chàm…".

Ba ngày sau khi sinh, mức độ prolactin trong cơ thể người mẹ tự điều chỉnh. Khi đó, nó không còn là sữa non nữa mà là sữa mẹ bình thường. Vẫn theo BS Hồng, sữa mẹ có chứa một loại protein đặc biệt, gọi là Feedback Inhibitor of Lactation (FIL). Nó quyết định mỗi bên ngực bà mẹ sẽ sản xuất ra bao nhiêu sữa. Nếu bà mẹ thường xuyên cho con bú cạn một bên ngực thì hàm lượng FIL trong vú mẹ sẽ thấp.

Mức thấp của FIL lại kích thích sản xuất sữa nhiều và tốt hơn: "FIL quyết định lượng sữa riêng biệt mỗi bên ngực mẹ. Nghĩa là, một bên vú mẹ có thể có ít sữa nhưng bên vú còn lại thì nhiều. Điều này giải thích vì sao khi mẹ bị tắc sữa ở một bên vú thì vẫn có thể nuôi con bằng sữa ở bên vú kia. Nó cũng giải thích lý do vì sao những người mẹ sinh đôi vẫn có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ".

Trở lại với chuyện "xin sữa", theo ý kiến của nhiều BS chuyên ngành Sản, Phụ khoa, Nhi khoa, Truyền nhiễm, việc xin sữa từ các bà mẹ khác để cho con mình bú không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người cho, đồng thời còn giúp đứa bé - là người nhận - phát triển bình thường nhưng người xin cần tìm hiểu rõ về thể chất của người cho sữa.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP HCM khuyến cáo: "Việc cho trẻ uống sữa từ các bà mẹ khác, nhất là từ những người chưa được kiểm tra kỹ lưỡng sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật nếu người cho mắc các bệnh như viêm gan siêu vi B, C, nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục".

Ngoài ra, nếu người cho sữa đang dùng các loại thuốc chữa bệnh hoặc các chất độc hại như rượu, bia, thuốc lá, hoặc thuốc an thần hoặc các loại ma túy… thì các chất độc này có thể qua sữa và ảnh hưởng đến trẻ.

Người cho sữa không được hút thuốc lá hoặc dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược hoặc những hoạt chất nằm trong danh mục cấm ở giai đoạn mang thai. Nếu bà mẹ bị cảm lạnh thì không được cho sữa, hoặc nếu uống rượu thì phải ngừng rượu tối thiểu 12 giờ trước khi cho sữa nên việc cho sữa dựa trên sự kêu gọi tự nguyện mà không có cơ quan y tế kiểm định thì sẽ rất khó đảm bảo tính an toàn. Vì thế, CDC khuyên những bà mẹ thừa sữa nên uống lại sữa của mình thay vì đem cho vì nó hoàn toàn phù hợp với cơ thể.

Một yếu tố nữa cũng có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ. Đó là những độc tố có trong không khí, nước, hoặc trong thực phẩm, mỹ phẩm và một số đồ vật sử dụng hàng ngày, phổ biến là dioxin và polychlorinated biphenyls (PCBs). Cả hai đều là chất hữu cơ khó phân hủy. Chúng tồn tại trong môi trường nhiều chục năm, dẫn đến một lượng nhỏ được hấp thu rồi tích tụ trong mỡ của cơ thể người thông qua việc ăn uống, hít thở hoặc tiếp xúc với các vật dụng có chứa dioxin, PCBs. Một mức độ nhỏ của độc tố trong mỡ có thể chuyển hóa thành chất béo trong sữa mẹ.

Tuy nhiên, mặc dù thai nhi có thể phải tiếp xúc với chất độc ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ nhưng chỉ ở mức độ thấp và hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định độc tố trong sữa mẹ với hàm lượng bao nhiêu thì gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ về thể chất cũng như thần kinh.

Sau khi đã xin được sữa và đã biết rõ nguồn sữa của người cho hoàn toàn sạch thì còn một vấn đề nữa mà những bà mẹ xin sữa cần lưu tâm: đó là cách bảo quản. BS Hồng nói: "Để tránh tình trạng trẻ uống vào bị tiêu chảy thì khi vắt sữa ra các bình chứa, người mẹ nên ghi rõ ngày tháng, thời gian cho vào tủ lạnh theo nguyên tắc sữa nào xin trước thì cho uống trước, xin sau cho uống sau. Mỗi bình chứa sữa chỉ nên đựng đủ cho một lần ăn của trẻ để tránh lãng phí".

Sữa sau khi vắt xong, nếu để ở nhiệt độ 19 đến 20oC thì có thể sử dụng trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Với nhiệt độ dưới 4oC trong ngăn mát tủ lạnh, có thể bảo quản được 3 ngày. Ở ngăn đá tủ lạnh, âm 18 đến âm 20oC, có thể bảo quản được 6 tháng. Không nên để sữa ở các hộc chứa bên trong cánh cửa tủ lạnh vì nếu thường xuyên mở tủ để lấy các loại thực phẩm khác, nhiệt độ sẽ không ổn định

Theo Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.