Sửa luật để báo chí phát triển mạnh hơn

TP - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, mục tiêu lớn nhất trong sửa đổi bổ sung Luật lần này là để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn…

Sửa luật để báo chí phát triển mạnh hơn ảnh 1 Cần xem xét đến nhiệm vụ chính trị của các tờ báo để từ đó xác định mức độ đóng góp nghĩa vụ thuế phù hợp. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhà báo bị hành hung, cản trở khi tác nghiệp


Có rất nhiều khó khăn đối với các nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, hạn chế trong thi hành Luật Báo chí thời gian qua còn khá nhiều. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin.

Nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của phóng viên, nhà báo, thậm chí có người quá khích còn đe dọa, hành hung nhà báo. “Mặc dù hành vi cản trở tác nghiệp báo chí đã bị xử lý nghiêm nhưng cũng có nhiều trường hợp việc xử lý chưa thỏa đáng, gây bất bình trong dư luận”, ông Tuấn nói.

Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTN, TN, NĐ) của Quốc hội cho thấy, việc trả lời báo chí của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện nghiêm túc. 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản VN cho rằng, bổ sung sửa đổi luật cần có thêm các quy định để bảo vệ nhà báo. “Nhà báo chân chính hiện chỉ có cây bút, cuốn sổ và bầu nhiệt huyết, điều kiện bảo vệ không được như cán bộ công chức một số ngành khi làm nhiệm vụ”, ông Thắng kiến nghị. Bà Xuân Thị Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Thư ký biên tập VOV đề nghị tăng các hình thức và mức độ xử lý đối với các đối tượng có hành vi xâm phạm đến quyền tác nghiệp, sức khỏe và danh dự của nhà báo.

Báo chí đa phương tiện: Xu hướng tất yếu

Tổng Biên tập báo Đầu tư ông Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi, có nhất thiết mỗi bộ ngành, mỗi địa phương phải có một vài cơ quan báo in? Chính phủ đã đề ra mô hình tập đoàn báo chí. Tuy nhiên, nói chung báo chí còn phát triển rất nhỏ lẻ, thiếu sức mạnh. Cũng theo ông Tuấn, trong Luật Báo chí sửa đổi cần phải quy định rõ về báo chí đa phương tiện và mô hình tập đoàn báo chí. 

Đại diện Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, Sở TT&TT Hà Nội cũng đề nghị cần quy định rất rõ hoạt động của báo chí đa phương tiện vì tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ và cũng là căn cứ để quản lý. “Xu thế chung là phải đa phương tiện trong một cơ quan báo chí”, ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đề xuất.

Vấn đề báo chí làm kinh tế cũng được nhiều đại biểu phân tích. Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân đề nghị, hiện một số tổng công ty, tập đoàn nhà nước đang được xuất bản tạp chí. Các tập đoàn tư nhân lớn có được ra báo và tạp chí không cũng cần được quy định rõ. “Tôi cho rằng, với các tập đoàn kinh tế thì không nên cho phép ra báo mà chỉ ra tạp chí”, ông Miên kiến nghị. Cũng theo ông Miên, đây là thời điểm cần rà soát lại toàn bộ các cơ quan báo chí. Với những tờ báo quá èo uột, phải có phương án, thậm chí không nên cho tồn tại! 

Đại diện nhiều cơ quan báo chí cho rằng, trong quy định của dự thảo luật mới cần xem xét đến nhiệm vụ chính trị của báo chí, trong cung cấp thông tin đến người dân, phục vụ chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đấu tranh bảo vệ đất nước, để từ đó xác định mức đóng góp nghĩa vụ thuế phù hợp. “Phải có mức thuế suất phù hợp với từng loại hình báo chí”, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTN, TN, NĐ của Quốc hội kiến nghị.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của internet và phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của thông tin, truyền thông. Thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề mới vượt ra ngoài các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Một số đại biểu đề nghị phải sớm có biện pháp xử lý hiệu quả những biểu hiện thương mại hóa, dấu hiệu “tư nhân hóa” báo chí dưới nhiều hình thức, tình trạng vi phạm bản quyền. Cùng đó cần quy định tiêu chuẩn biên tập viên, phóng viên…

“Không vì một vài tiêu cực mà bịt hết lại”

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, mục tiêu trên hết trong sửa đổi Luật Báo chí lần này là nhằm phát triển báo chí mạnh mẽ hơn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ đất nước; bảo đảm tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Ban soạn thảo cũng cần làm rõ những bất cập trong thực thi Luật Báo chí, vai trò của cơ quan chủ quản, mối quan hệ giữa luật báo chí với các quy định khác. Sửa đổi luật phải có tầm nhìn xa vì thế giới đã thay đổi rất nhanh và báo chí là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, sự phát triển của công nghệ thời gian qua diễn ra đặc biệt nhanh chóng do vậy khi xây dựng luật phải tính được những thay đổi này. Phó Thủ tướng cũng nêu ra ví dụ trong phát triển của VTV như sự liên kết, xã hội hóa một số chương trình, nội dung. Điều này đặt ra yêu cầu mới: Trong xây dựng luật cần tính đến nhu cầu phát triển chính đáng của các cơ quan báo chí tương lai. “Không nên chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực rồi ra ngay quy định bịt hết lại. Mục tiêu của sửa đổi luật lần này không phải như vậy”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 12/6/1999. Tổng cộng có 50 văn bản pháp quy về hoạt động báo chí.

Cả nước hiện có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm. Trong đó 199 cơ quan báo in và 639 tạp chí. Có 90 báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình; 18.000 nhà báo được cấp thẻ và 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.