Báo chí khó tác nghiệp tại Nhà Quốc hội mới

Báo chí khó tác nghiệp tại Nhà Quốc hội mới
TP - Nhà Quốc hội mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, nhưng trong ngày đầu Quốc hội họp, việc tác nghiệp của báo chí lại khó khăn hơn.

Tại các kỳ họp trước, thẻ phóng viên nghị trường gồm hai loại: thẻ C và thẻ B. Thẻ B phóng viên được vào tác nghiệp ngay tại hành lang hội trường, dễ dàng trong việc phỏng vấn đại biểu trong giờ giải lao.

Tại kỳ họp này, vẫn có hai loại thẻ được phát ra là thẻ C và thẻ B, nhưng cả hai loại thẻ này đều chỉ được tác nghiệp tại 2 Trung tâm báo chí. Muốn lên hành lang phòng họp Diên Hồng để gặp gỡ, phỏng vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao, các phóng viên phải xin Thẻ sự kiện được cấp theo ngày với số lượng khá hạn chế là 50 thẻ cho hàng trăm phóng viên báo chí đăng ký tác nghiệp tại kỳ họp.

Trao đổi với báo chí chiều 20/10, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, do hành lang hội trường có không gian giới hạn, nên số lượng phóng viên được cấp thẻ sự kiện không nhiều. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, sau ngày đầu làm việc sẽ xem xét tăng số thẻ sự kiện phát ra.

“Nhờ có sự đưa tin kịp thời của báo chí mà nhiều phiên họp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của người dân. Điều này đã góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong sinh hoạt chính trị của đất nước”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói như vậy tại một hội thảo về vai trò của báo chí trong hoạt động của Quốc hội.

Hy vọng Văn phòng Quốc hội sẽ sớm điều chỉnh để hoạt động tác nghiệp của báo chí tại Nhà Quốc hội mới dễ dàng, thuận tiện hơn, để báo chí làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa Quốc hội và người dân.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.