Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, còn nội dung ở các luật khác. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, luật hình thức thì quy định đến đâu, quy định những cái gì?
Tài sản hữu hình thì nhiều nhưng tài sản vô hình còn nhiều hơn. Đối với doanh nghiệp, đôi khi tài sản vô hình giá trị rất lớn, thì có mang ra đấu giá không, đấu giá như thế nào? Cái nào thì đấu giá, cái nào điều chỉnh bằng luật khác?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, nếu luật này sửa, có giải quyết được những khó khăn, vướng mắc như hiện nay hay không? Chẳng hạn như nhà máy bột giấy Phương Nam - một trong những dự án yếu kém, thua lỗ, tài sản bao nhiêu năm chỉ có thiết bị vật tư như sắt vụn, nhưng vì là dây chuyền sản xuất nên phải định giá theo nguyên tắc như dây chuyền sản xuất, không ai dám định giá như tài sản tồn kho của doanh nghiệp.
Công ty định giá đưa ra giá hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng từ đó đến nay cũng không bán được. Vậy cần quy định như thế nào, cái gì quy định trong luật này, cái gì quy định ở luật khác?
Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn chứng vụ đấu giá đất Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng đấu giá hơn 2 tỷ đồng một m2 đất nhưng sau đó thì bỏ cọc. Thời điểm sau phiên chất vấn của Quốc hội đã có đề nghị sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, vậy lần sửa đổi này có khắc phục được điều này không?
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, việc sửa đổi luật phải khắc phục được những bất cập như Chủ tịch Quốc hội vừa nêu, đặc biệt sau việc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và ở một số địa phương khác; khắc phục tình trạng "quân xanh quân đỏ", ép giá, thông đồng trong đấu giá tài sản.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu thực tế có tổ chức đấu giá tài sản đứng ra đấu giá tài sản trên giấy chứ không hề có tài sản. "Có đại biểu nói, người trúng đấu giá 14 năm nay, tiền nộp rồi nhưng tài sản chưa được nhận. Vậy chúng ta phải sửa luật này hay sửa luật nào?", ông Định nêu.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long |
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, về đấu giá quyền sử dụng đất làm dự án, tiền đặt trước mức bao nhiêu chỉ là một trong những điều kiện. Bên cạnh đó phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai. Tương tự, những loại tài sản khác, cùng với tiền đặt trước, phải đáp ứng một loạt điều kiện theo pháp luật chuyên ngành.
"Nhà máy bột giấy Phương Nam sở dĩ không bán được do định giá cao quá", ông lý giải và cho biết, Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, cập nhật, nhưng muốn giải quyết việc này, cần phải đưa vào pháp luật chuyên ngành và quy định phải bán đấu giá.
Đối với vụ việc ở Thủ Thiêm, Bộ trưởng nói, việc nâng tiền đặt trước lên một cách bất thường thì Luật Đấu giá tài sản "bất lực", mà chúng ta phải xử lý bằng các công cụ pháp luật.
Tiền đặt trước thông thường theo các nước từ 5-20%, nhưng khi ký hợp đồng rồi thì tiền đặt trước mới trở thành tiền đặt cọc, nguyên tắc xử lý ở đây theo dân sự, nghĩa là "anh đặt cọc nhưng không thực hiện nghĩa vụ của mình, anh "xù" thì anh phải nộp lại cho tôi".
"Chỗ Thủ Thiêm này, quan điểm của chúng tôi, phải xử lý trong tập hợp một loạt văn bản quy phạm pháp luật khác nhau", ông Long khẳng định.