Theo BS Hồng Tâm, sau khi xảy ra một trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu ở khu vực phía Bắc, trên mạng xã hội đang có những thông tin không chính xác cho rằng bệnh đã xuất hiện tại TPHCM. BS Tâm cho biết, qua công tác rà soát, HCDC chưa phát hiện ca bệnh bạch hầu trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây. Một ca bệnh bạch hầu từng được ghi nhận tại thành phố nhưng xảy ra từ năm 2020 trên một bệnh nhân từ tỉnh khác đến thành phố.
Theo BS Hồng Tâm, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn gây ra. Bệnh lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, nếu phát hiện, điều trị sớm sẽ khỏi.
Triệu chứng của bạch hầu là xuất hiện giả mạc (màng màu trắng) ở vùng họng gây đau họng, ho sốt, mệt mỏi, khó thở… Biến chứng thường gặp của bệnh là tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp, nguy hiểm hơn là suy tim, suy đa cơ quan, biến chứng thần kinh.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm tại nơi xuất hiện ca bệnh bạch hầu ở Nghệ An (ảnh: Ngọc Tú) |
Hiện nay, bạch hầu là bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng có vắc xin miễn phí cho trẻ em. Trẻ từ 3 đến 18 tháng sẽ được tiêm 3 mũi vắc xin phòng bạch hầu và cần tiêm nhắc lại mỗi 10 năm. Người lớn cũng có thể tiêm phòng vắc xin bạch hầu để phòng nguy cơ nhiễm bệnh.
Trước sự xuất hiện của bệnh bạch hầu tại khu vực phía Bắc và những thông tin không chính xác trên mạng xã hội, BS Hồng Tâm khuyến cáo người dân cần hiểu về bệnh để phòng chống chứ không nên hoang mang. Tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ và tiêm nhắc định kỳ là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh.
Cộng đồng có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh không cần dùng thuốc như: giữ vệ sinh mũi họng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, vệ sinh trong ăn uống. Hạn chế tiếp xúc gần với người đến từ vùng dịch. Trường hợp có biểu hiện của bệnh bạch hầu cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.