Sự thật về đoàn xe taxi giải cứu thủ đô Pháp trong Thế chiến I

Tranh vẽ về đoàn taxi Marne. Ảnh: Blogspot.
Tranh vẽ về đoàn taxi Marne. Ảnh: Blogspot.
Những chiếc taxi giúp Pháp xoay chuyển cục diện, đánh bại quân Đức chỉ là một huyền thoại để nâng cao tinh thần chiến đấu cho người Pháp.

Ngày 6/9/1914, quân đội Đức chỉ cách phía đông thủ đô Paris của Pháp khoảng 48 km. Họ tin vào chiến thắng chóng vánh bởi trước đó vài tháng, lính Đức đã hành quân qua Bỉ và tiến thẳng đến Paris, nghiền nát mọi sự kháng cự trên đường đi. Tốc độ và sức mạnh của quân Đức khiến các tướng lĩnh Pháp hoảng sợ, theo War is Boring.

Một trận đánh lớn sắp diễn ra ở khu vực phía đông Paris gần sông Marne. Nếu người Pháp thất thủ tại đây, quân Đức sẽ bao vây Paris và dễ dàng giành chiến thắng. Pháp đã huy động mọi phương tiện chuyển quân sẵn có để tiếp viện cho tiền tuyến, nhưng nỗ lực này vẫn không đủ.

Người Pháp lan truyền một câu chuyện rằng vào thời khắc khó khăn đó, một đoàn xe taxi đã góp phần quan trọng giải cứu thủ đô. Hàng nghìn xe taxi đã tham gia vận chuyển binh sĩ ra tiền tuyến. Nhờ lực lượng tăng cường này, Pháp đã xoay chuyển cục diện chiến trường và đánh bại Đức.

Bảo tàng Thế chiến I ở ngoại ô Marne thậm chí còn trưng bày một chiếc taxi thời đó. Giới sử gia và nhà văn khoa học viễn tưởng đã viết hàng chục cuốn sách về đề tài này.

Tuy nhiên, đó chỉ là một câu chuyện mang tính huyền thoại trong thời chiến, theo các chuyên gia sử học. Trên thực tế, chỉ có khoảng 10.000 xe taxi ở Paris trong Thế chiến I, trong đó tài xế của khoảng 7.000 xe đã bỏ việc để ra tiền tuyến chiến đấu.

Tối 6/9, khoảng 3.000 xe taxi còn lại tập hợp ở bên ngoài quảng trường Place des Invalides để nhận quân. Loại xe được sử dụng là Renault AG1 Landaulet, mỗi xe chở được 5 người và có tốc độ tối đa 40 km/h.

Quân đội Pháp chỉ thị cho lái xe đưa quân ra tiền tuyến theo phương thức duy nhất là vào giữa đêm. Tài xế buộc phải tắt đèn pha, chỉ bật đèn hậu và đoàn xe phải nối đuôi nhau ra chiến trường.

Các tài xế rất tức giận với nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm này, nhiều người lo sợ sẽ mất mạng. Họ còn muốn quân đội trả tiền cho hành trình chuyển quân, thậm chí nhiều người đã bật đồng hồ đo quãng đường để quân đội thanh toán sau đó.

Các taxi của Marne đã chuyển khoảng 5.000 binh lính ra chiến trường, con số quá ít ỏi so với hơn 80.000 quân Pháp thiệt mạng trong 7 ngày giao tranh, nên không thể nói rằng đội quân taxi đã góp phần xoay chuyển cục diện chiến trường. Các chỉ huy Pháp còn giữ nhiều tài xế taxi ở lại làm lực lượng dự bị.

Theo chuyên gia quân sự Matthew Gault, đoàn taxi Marne không thể cứu Paris khỏi sự hủy diệt. Tất cả đều nhờ sai lầm của người Đức và sự tài tình của tướng Pháp.

Bộ tổng tư lệnh quân Đức có kế hoạch chi tiết để giành chiến thắng, bao gồm việc cho các quân đoàn tấn công ồ ạt vào mục tiêu, sau đó bao vây đè bẹp sự kháng cự của đối phương. Đây là kế hoạch hoàn hảo nếu được tuân thủ, bởi nó chi tiết đến từng mốc thời gian. Nhưng nếu quân Pháp có thể cầm chân đối phương đủ lâu, kế hoạch này sẽ bị phá sản.

Sự thật về đoàn xe taxi giải cứu thủ đô Pháp trong Thế chiến I ảnh 1

Một chiếc taxi được trưng bày trong bảo tàng Pháp. Ảnh: Wikipedia.

Tướng Đức Alexander von Kluck đã không tuân theo kế hoạch tác chiến. Trong lúc giao tranh, Kluck quyết định chia nhỏ lực lượng và truy kích người Pháp. Điều đó khiến quân Đức bị hở sườn, lộ ra một khoảng trống lớn giữa các đơn vị lính Đức.

Tướng Joseph Joffre, tổng tư lệnh quân Pháp, nhận ra điều này và thuyết phục đồng minh Anh tham gia phản công đánh thọc sườn quân Đức.

Bị đánh thọc sườn và hứng chịu thiệt hại nặng nề, người Đức buộc phải rút lui, cả hai phía bắt đầu đào công sự. Đà tiến quân của Đức đã bị chặn đứng, trận chiến chuyển thành các cuộc giao tranh khốc liệt trong chiến hào. Những chiếc taxi đã không góp phần chặn đà tiến quân của Đức.

Gault cho rằng người dân Pháp cần câu chuyện về đoàn taxi Marne để được khích lệ, bởi tinh thần quân Pháp khi đó xuống rất thấp.

Hình ảnh dòng xe taxi chở quân ra tiền tuyến trong đêm rất ấn tượng, nó khích lệ tinh thần đoàn kết của người Pháp, cho thấy họ sẵn sàng kề vai sát cánh, hỗ trợ nhau trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử.

"Trong chiến tranh, những câu chuyện như vậy rất quan trọng bởi nó mang đến cho người dân niềm hy vọng, khiến họ cảm thấy cả xã hội, chứ không riêng quân đội, chiến đấu bảo vệ đất nước", Gault nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG