Sự kỳ diệu của đậu nành với phụ nữ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Phụ nữ ở tuổi mãn kinh thường bị đổ mồ hôi, có các cơn bốc hỏa kèm theo cảm giác mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ… Đậu nành đang được xem như một “giải pháp” đối với chị em phụ nữ khi bước vào giai đoạn này.

Nếu không hỏi tuổi thật của chị, tôi cứ ngỡ chị chỉ khoảng 47 tuổi bởi làn da chị vẫn khá căng mịn, có ít các dấu hiệu của sự lão hóa (các vết nhăn trên khóe mắt…) dù chị đã bước sang tuổi 53. Chị Nguyễn Thị Quyết, ở Hóc Môn, Tp.HCM vui vẻ kể tôi nghe “bí kíp” để giữ gìn được nét tươi trẻ như vậy. Gia đình chị làm đậu được hai chục năm nên chị cũng uống sữa đậu nành từ những ngày ấy. Chị bảo rằng: Tuổi của chị mà không uống nó thì sao làm việc được. Do nhà làm ra nên chị cứ khát là uống, uống sữa và uống cả nước canh đậu. Cuộc trò chuyện với chị càng khiến tôi tò mò và ngạc nhiên hơn khi chị nói chu kỳ kinh nguyệt của mình vẫn đều đặn như thời con gái (30 ngày).

Đậu phụ đã trở thành món ăn phổ biến và không thể thiếu với nhiều bà nội trợ mỗi lần đi mua thức ăn cho cả gia đình. Đối với phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh, đậu nành là…

Chị chưa có các biểu hiện của phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh như nóng nực, hồi hộp, trống ngực đập dồn dập hay khó chịu. Vì vậy mà sinh hoạt của hai vợ chồng chị vẫn như bình thường, không gặp những trở ngại như nhiều người thường nói dù chị và anh đã bước sang tuổi ngũ tuần. 

Tôi băn khoăn tự hỏi, đậu nành có nhiều tác dụng, đặc biệt là với phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh? Ngồi nói chuyện với tôi mà hai thùng đậu của chị bán hết lúc nào không hay. Nhiều người đến mua hàng thở dài khi chị nói hết.

Món quà tuyệt diệu từ thiên nhiên

Lưu ý khi dùng sữa đậu nành

- Sữa đậu nành phải được đun sôi trước khi uống.

- Không pha sữa đậu nành với đường đỏ.

- Không uống thuốc cùng với sữa đậu nành.

- Không uống sữa đậu nành với trứng.

- Nên ăn cùng với tinh bột (bánh mì, bánh ngọt).

- Những người bị tì vị hư hàn (Đông y gọi là máu lạnh) không nên dùng.

- Không uống quá 500ml sữa đậu nành/ngày.

Theo Đông y, hạt đậu nành vị ngọt mát có tác dụng giải nóng, tiêu khát, trừ bỏ phù thũng, lợi tiểu, chữa lở loét... Khi kết hợp đậu nành với các dược liệu Đông y khác, nó trở thành những bài thuốc quý dùng để chữa suy nhược cơ thể, đổ mồ hôi trộm (đậu nành, hạt tiểu mạch, táo tàu); suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ, hồi hộp, ăn ngủ kém (đậu nành, liên nhục, hoài sơn, ý dĩ, sa nhân, sơn tra, cẩu tích)... Vào mùa hè nóng bức, cơ thể phải vận động nhiều khiến bạn dễ mệt mỏi, tinh thần uể oải, chán nản. Một ly sữa đậu nành mát lạnh, thơm ngon và bổ dưỡng cùng với chút bánh ngọt vị dâu sẽ giúp bạn lấy lại sự minh mẫn, sảng khoái.

Còn theo y học hiện đại, đậu nành là thực vật có chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị như protein, các loại vitamin A, B, E và các nguyên tố vi lượng, acid amin thiết yếu. Đặc biệt, nó còn chứa nhiều acid béo không bão hòa nên tốt cho sức khỏe và phòng bệnh hiệu quả. Đậu nành có thể thay thế tốt cho các thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc từ động vật không chỉ vì giá trị dinh dưỡng mà còn dễ tiêu hóa nên phù hợp với người làm việc văn phòng và người cao tuổi.

Bạn đồng hành của phụ nữ mãn kinh

Thời kỳ tiền mãn kinh là bước khởi đầu cho “một sự thay đổi mới” của cơ thể người phụ nữ. Từ 50 tuổi trở đi, chức năng của buồng trứng suy thoái, các hormone nội tiết tố cũng giảm dần. Họ dễ bị mắc các bệnh loãng xương, tăng cân và béo phì, đái đường, bệnh tim mạch, các bệnh phụ khoa và ung thư vú...

Theo BS CKI. Nguyễn Thị Kim Hoàn (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội): Đậu nành là thực phẩm tốt cho cơ thể con người. Đối với phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh, các sản phẩm chế biến từ đậu nành đặc biệt hữu hiệu. Trong đậu nành có chất phytoestrogen (như một chất thay thế nội tiết tố nữ). Trong các phytochemical của đậu nành, isoflavones đậu nành có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng và sự xuất hiện của các triệu chứng kinh nguyệt và mãn kinh.

Phytoestrogen dạng isoflavone không gây ra các tác dụng phụ lên hệ sinh sản như trong liệu pháp estrogen dài hạn và không liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ con hay ung thư vú, làm cho chúng trở thành một sự lựa chọn an toàn, hiệu quả cho việc điều trị thời kỳ mãn kinh và cho sức khoẻ của phụ nữ nói chung.

Phytoestrogen giúp hạn chế các cơn bốc hỏa, toát nhiều mồ hôi và đổ mồ hôi về đêm, hạn chế tăng cholesterol trong máu và làm giảm loãng xương. Đậu nành chứa nhiều vitamin E, kẽm, sắt làm cho da dẻ người phụ nữ hồng hào, mịn màng, hạn chế các vết nhăn trên mặt. Đậu nành còn giúp kéo dài tuổi thọ, điều hòa huyết áp, chống giảm trí nhớ và stress, ngăn ngừa ung thư vú…

(Bài viết có sự tư vấn của BS CKI. Nguyễn Thị Kim Hoàn - Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn)

Theo SKGD
MỚI - NÓNG