Sự khác nhau giữa mâm ngũ quả ở 3 miền

Do đặc trưng văn hóa, địa lý, thời tiết và sản vật nên mỗi miền Bắc - Trung - Nam lại có mâm ngũ quả có hình thức và ý nghĩa khác nhau.  

Bên cạnh các món ăn truyền thống, mâm ngũ quả là một phần đặc trưng, gợi nhớ đến phong vị ngày Tết truyền thống.

Mâm ngũ quả thường gồm 5 loại trái cây khác nhau, các loại quả được lựa chọn đại diện cho nguyện ước, mong muốn của gia chủ trong năm mới.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào đặc trưng văn hóa, địa lý, mỗi vùng miền trong cả nước lại có mâm ngũ quả mang hình thức và ý nghĩa có nét khác nhau.

Miền Bắc: Mâm ngũ quả bày theo thuyết ngũ hành

Mâm ngũ quả của người miền Bắc được bày theo thuyết ngũ hành.

Theo quan niệm văn hóa phương Đông, ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ là 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Mâm ngũ quả mang ý nghĩa vạn vật dung hòa cùng trời đất, do đó được phối theo 5 màu đại diện cho từng yếu tố: Kim - trắng, mộc - xanh, thủy - đen, hỏa - đỏ, thổ - vàng.

Sự khác nhau giữa mâm ngũ quả ở 3 miền ảnh 1 Mâm ngũ quả của người miền Bắc được bày trí dựa theo thuyết ngũ hành. Ảnh: Trangabudhabi.

"Ngũ" còn thể hiện ước muốn của gia chủ là đạt được "ngũ phúc lâm môn": Phúc (may mắn), quý (giàu có), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình an).

Miền Bắc, người ta thường bày các loại quả phổ biến là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, táo...

Nải chuối nằm ở dưới cùng để đỡ lấy các loại quả khác, ở giữa thường bưởi hoặc phật thủ vàng, xung quanh điểm xuyết xen kẽ các loại khác nhau.

Miền Trung: Có gì cúng nấy

Vì điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt khiến sản vật về hoa quả ít hơn những vùng miền khác nên người dân miền Trung không quá cứng nhắc về việc phải chọn lựa loại quả gì cho mâm cúng ngày Tết.

Sự khác nhau giữa mâm ngũ quả ở 3 miền ảnh 2 Người miền Trung lựa chọn mâm ngũ quả theo sản vật địa phương. Ảnh: Hangladyy257.

Vì quan niệm thành tâm với tổ tiên là chính, có gì cũng nấy nên mâm ngũ quả của các gia đình ở miền Trung khác nhau, quả gì cũng được.

Các loại trái cây thường thấy trên mâm ngũ quả ở miền Trung là chuối, thanh long, xoài, cam, quýt, sung...

Ngày nay, khi các loại hoa quả ngày càng đa dạng, người ta không còn cứng nhắc về nguyên tắc ngũ quả nữa mà có thể bày nhiều loại hơn.

Miền Nam: Cầu vừa đủ xài

Người miền Nam bày mâm ngũ quả thường có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài dựa theo mong ước "cầu vừa đủ xài" - mong cho năm mới đầy đủ, sung túc.

Cách bày mâm ngũ quả bắt đầu với những quả lớn như mãng cầu, đu đủ, dừa đặt trước để lấy thế. Tiếp đến, các quả nhỏ được bày lên trên, sắp xếp hợp lý để có hình dạng như ngọn tháp. Ngoài ra, có thể đặt cặp dưa hấu ở 2 bên sau khi đã hoàn thành mâm quả.

Sự khác nhau giữa mâm ngũ quả ở 3 miền ảnh 3 Mâm ngũ quả ở miền Nam dựa theo mong ước "Cầu sung vừa đủ xài". Ảnh: Sean.ndt.

Một điểm khác biệt là trong khi người Bắc thường bày cam, quýt và coi đó là biểu tượng cho sự may mắn, tròn vẹn thì các gia đình miền Nam lại không cúng các loại quả này. Ở miền Nam, người ta quan niệm cam, quýt là loại quả kém may mắn, gắn với câu "quýt làm cam chịu" - mang ý nghĩa lam lũ, vất vả nên không bày để thờ cúng.

Bên cạnh đó, một số loại trái không được bày lên mâm ngũ quả ở miền Nam vì "kỵ" ý nghĩa của chúng như chuối (chúi nhủi, làm ăn không phất lên được), lê (lê lết, đổ bể, thất bại).

Theo Zing.vn
MỚI - NÓNG