Sự đáp trả của một ca sĩ

Sự đáp trả của một ca sĩ
TP - Nam ca sỹ nổi tiếng Haiti, Michel Martelly thuộc đảng Sự đáp trả của nông dân, mới đây trở thành Tổng thống thứ 56 của Haiti và là Tổng thống thứ 4 được bầu cử dân chủ tại nước này trong nửa thế kỷ qua.

Chuyện nhặt ở Tây bán cầu - Kỳ 2:

Sự đáp trả của một ca sĩ

> Chuyện nhặt ở Tây bán cầu

Tiếng rao báo nghe như hát dễ gặp nhất là ở các ngã tư của thủ đô Port-au-prince. Khẽ ngoắc lại đã có trong tay tờ Autivement (tờ báo của cơ quan Phủ Tổng thống) nổi bật với cái tựa chạy dài trên trang nhất Les cent Premiers jours d’une Presidence (Bách nhật của Tổng thống). Giăng khắp 24 trang toàn hình là hình. Những bức ảnh của Tổng thống Michel Martelly, khi thì đứng với nội các, với chính khách nước ngoài, khi thì hớn hở, lúc đăm chiêu với các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, nông nghiệp, thể thao văn hóa... của đất nước Haiti. Báo muộn vào dịp chẵn trăm ngày Tổng thống cầm quyền nhưng vẫn bán chạy. Tổng thống nhậm chức ngày 14-5.

Những ngày đầu đến Port-au- Prince, tôi rất thích đứng ở các ngã tư mặc dầu anh em bên này nói là nguy hiểm. Thủ đô của Haiti vẫn trong tình trạng bất ổn. Nạn cướp giật thường xảy ra. Lại có chuyện bắt cóc tống tiền nữa... Giá như được chôn chân giờ lâu ở những ngã tư thủ đô mà ngắm ngó thiên hạ! Ấn tượng hơn cả vẫn là những bức ảnh dạng áp phích Tổng thống Martelly với nhiều kích cỡ và vẻ mặt khác nhau được phóng to đặt ở các ngã ba, ngã tư. Lần lượt diễu qua tấm hình chân dung tổng thống (TT) đa số là những người phụ nữ da màu, dáng vẻ lam lũ thậm chí rách rưới ngất nghểu đội trên đầu (bên này dân có thói quen đội mọi thứ trên đầu như thế) thứ gì đó khi mau khi khoan. Động thái ấy cộng với khung cảnh đổ nát nhuôm nham do thảm họa động đất đến nay chưa được khắc phục cứ như một sự thách thức, như là sự trêu ngươi không chỉ trăm ngày mà gần như suốt cả nhiệm kỳ của Tổng thống Michel Martelly! Vị ca sĩ kiêm Tổng thống này sẽ giải quyết, sẽ đáp trả như thế nào trước khung cảnh tan hoang của đất nước sau động đất và dịch bệnh? Hơn 8 tỷ USD chỉ phút chốc đi tong. Rồi vấn nạn hơn 50% dân số thất nghiệp và 75% dân số thu nhập dưới 2 USD/ngày?

Tổng thống Michel Martelly và đại diện Viettel bấm nút khai trương mạng Natcom
Tổng thống Michel Martelly và đại diện Viettel bấm nút khai trương mạng Natcom.

Bây giờ ông đang ngồi đây, trong căn lều dựng tại Dinh Tổng thống, dựng tạm sau họa động đất làm xô lệch tan nát kiến trúc trong Dinh. Thoạt trông, cái đầu ít tóc gợi lên một cảm giác ngài ngại nhưng bù lại rất chóng gần bởi ông luôn có cái cười thường trực, có lẽ không phải thế mà bản tánh của một ca sĩ trước công chúng vốn như nhiên vi nhiên? Hơn thế, bây giờ ông là một chính khách, vị thuyền trưởng dẫn dắt con tàu đang đầy mình thương tích - quốc đảo Haiti, diện tích chỉ non hai tỉnh Thanh, Nghệ gộp lại nhưng có tới gần 10 triệu dân? Non mười triệu dân nhưng hơn 50% tài sản đất nước nằm trong tay 1% người giàu!

Khách của Dinh bữa nay là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ Tập đoàn Viettel mới ở Việt Nam sang để kịp dự ngày khai trương Natcom. Ông Hùng ngồi ở vị trí trang trọng mà Tổng thống Michel Martelly đã dành cho Hillary Clinton, Bill Clinton, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và nhiều quan chức quốc tế từng ngồi khi đến Haiti bàn việc tái thiết. Ông nói trong lúc chờ tái thiết, nội các của ông sẽ không rời không lánh đi đâu cả. Từ nơi đổ nát này sẽ phát đi các mệnh lệnh cần thiết. Tôi biết không mấy bữa nữa, các thiết bị viễn thông của Tập đoàn Viettel gửi tặng từ căn lều này sẽ kết nối, sẽ trực tuyến với tất cả các quan chức địa phương Haiti bất kể khi nào ông muốn. Nhưng trước khi Dinh Tổng thống được hưởng những tiện ích ấy thì đồng bào của ông phải được hưởng trước những tiện ích những ưu việt mà Natcom đã và đang tạo ra cho đa số dân nghèo Haiti. Như bữa nay ông đang cả cười đang nhắc lại với người đại diện Viettel những cái nhất mà Natcom đã tạo ra.

Tôi có biết loáng thoáng vị ca sĩ có phong thái bình dân này xuất thân từ một gia đình khá giả ở thủ đô Port-au-Prince. Từng học tại ngôi trường danh tiếng ở thủ đô và du học tại Mỹ. Thế mà có thời gian dài ông làm... công nhân xây dựng ở Miami - Hoa Kỳ. Phong cách bình dân thoải mái, dần dà ông trở nên nổi tiếng tại Haiti với tư cách ca sĩ của dòng nhạc có tên gọi compas. Năm 1997, ông tham gia vào bộ phim ca nhạc mang tính giáo dục về HIV có tựa đề “Kiến thức là sức mạnh” với thông điệp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch AIDS. Đây là cơ sở để ông được chọn làm đại sứ thiện chí Haiti trong việc bảo vệ môi trường.

Cứ thoải mái cứ tưng tửng như thế, hóa ra Michel Martelly mặc dù không cứng cựa gì trong hoạt động chính trị nhưng đã giành được chiến thắng! May hay khôn? Khó biết được. Nhưng dân nghèo lẫn giới trẻ Haiti đã tìm thấy ở ngôi sao nhạc Pop này những tố chất hơn hẳn những lụ khụ lỗi thời những ranh ma mà mấy đối thủ chính trị của Michel Martelly có thừa! Nhanh hoạt như tiết tấu của Pop và dung dị như Pop, trong chiến dịch vận động tranh cử Martelly đã nêu cao khẩu hiệu “thay đổi”. Thay đổi để đối mặt tham nhũng, để giảm tỷ lệ thất nghiệp và sớm “đưa người dân ra khỏi các khu lều tạm”.

Tôi chợt nhớ trong tay mình đang có một báo cáo của cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Cuba. Tạm thời chưa biết họ đã tiếp cận với vị Tổng thống này theo kênh nào. Thử trích ra đây một đoạn.

Ông (Michel Martelly- PV) cho rằng, thị trường gạo Haiti nằm trong tay một số ít ông chủ người Haiti có mối quan hệ chặt chẽ và máu thịt với tư bản nước ngoài, đặc biệt tư bản Mỹ và khi cần, có thể điều tiết thị trường gạo vào mục đích chính trị.

Ông biết Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nên mong muốn Việt Nam có chiến lược tiếp thị để gạo Việt Nam có thể thâm nhập thị trường Haiti, tạo thêm yếu tố cạnh tranh lành mạnh, góp phần giữ thế cân bằng, ổn định thị trường và ổn định xã hội để Haiti có thể phát triển theo chiều hướng tích cực.

Ông tin là thực hiện việc này không đơn giản nhưng nếu Việt Nam quyết tâm, bản thân ông và chính phủ của ông sẽ ủng hộ tối đa trong chừng mực có thể. Ông mong muốn Việt Nam cần làm cho dân Haiti biết đến gạo Việt và rất hoan nghênh nếu trong chiến lược marketing của mình, Việt Nam có thể dành một lượng gạo nhất định tài trợ qua kênh chính phủ hoặc bán với giá rẻ để chính phủ Haiti có thể tuyên truyền cho người dân Haiti chuyển dần sang dùng gạo Việt Nam thay vì chỉ dùng gạo phẩm cấp cao của Mỹ như lâu nay.

Có thể cùng hoặc sau thời điểm Tập đoàn Viettel đầu tư có hiệu quả ở Haiti mà cơ quan thương vụ đã có sự tiếp xúc với Tổng thống Martelly? Có lẽ đây không những là dịp để xúm tay chung lo với dân Haiti nghèo khó mà còn là cơ hội để thêm thênh thang cho hướng đi của hạt gạo Việt Nam?

Báo chí Haiti dự buổi khai trương Natcom
Báo chí Haiti dự buổi khai trương Natcom.

Có câu ngạn ngữ rằng: Cô gái thất tình có thể hát lên mối tình đã chết, còn kẻ keo kiệt không thể hát về món tiền đã mất! Ca sĩ Michel Martelly không phải là gã keo kiệt. Ông hào phóng, dũng cảm đứng ra gánh việc nước, đối diện những bất ổn, nguy nan. Và với nhiều cách của mình, có thể ông đã hát lên và sẽ đòi lại 8 tỷ USD hoặc nhiều hơn thế cho quốc gia Haiti để thoát khỏi cơn bĩ cực?

Vị ca sĩ có phong thái bình dân này xuất thân từ một gia đình khá giả ở thủ đô Port-au-Prince. Từng học tại ngôi trường danh tiếng ở thủ đô và du học tại Mỹ. Thế mà có thời gian dài ông làm... công nhân xây dựng ở Miami - Hoa Kỳ. Phong cách bình dân thoải mái, dần dà ông trở nên nổi tiếng tại Haiti với tư cách ca sĩ của dòng nhạc có tên gọi compas.

* Số báo ra ngày 24-9-2011, tại trang 9, bài: “Chuyện nhặt ở Tây bán cầu: Bếp Việt tại Haiti”, ảnh thứ ba chú thích: “Tác giả (đội mũ) và cán bộ của Viettel tại Haiti”. Chú thích này sai do lỗi kỹ thuật. Xin chú thích lại là: Tác giả (đội mũ) đứng cạnh Tổng thống Haiti Michel Martelly (thứ ba từ phải sang). Xin cáo lỗi cùng bạn đọc.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG