Giữa không gian thanh tịnh, tiếng chuông chùa ngân nga điểm từng hồi, sư cô nhớ về hành trình bất đắc dĩ trở thành người mẹ. Tầm này 8 năm về trước, lần đầu tiên, sư cô đón nhận một bé trai sơ sinh nguyên dây rốn, ở trần, cơ thể bầm tím, thở yếu ớt từ tay của một người nhặt trong thùng xốp ven đường, bế đến nhờ nhà chùa cứu giúp. Sư cô kịp lấy áo choàng quấn kín bé, lập tức đưa đến trạm y tế cắt rốn, cấp cứu. Vừa chăm sóc, sư cô lo tìm người thân cho bé nhưng cả tháng trôi qua không ai đến nhận. Sư cô xem việc nhận nuôi cháu như một cái duyên, đặt tên là Cù Minh Trí với ước nguyện sau này cháu sẽ thông minh, tài giỏi.
Kể từ đó, sư cô lần lượt đón nhận thêm 4 trẻ sơ sinh nữa cũng bị người thân vứt bỏ trước chùa, dùng họ của nhà Phật để đặt cho các cháu, con trai mang họ Cù, con gái lấy họ Kiều và Minh làm tên lót. Còn 2 trẻ mồ côi cha mẹ bị bệnh nặng được nhà chùa cưu mang từ năm 2007, đến nay sư cô Khánh Đức đã là “mẹ” của 7 cháu.
Thương các con, sư cô luôn yêu thương, chăm sóc công bằng đàn con từ bữa ăn đến giấc ngủ. Những lúc chúng ốm đau, sư cô ẵm đi khắp các bệnh viện chữa trị. “May nhờ trời Phật thương tình, các cháu phước lớn nên vượt qua bệnh tật, khỏe mạnh dần lên. Nhìn chúng vui đùa, gắn bó, coi nhau như anh em một nhà, cô rất ấm lòng”, bà tâm sự. Để các con có tương lai tươi sáng, sư cô chú trọng tạo môi trường giáo dục tốt nhất, dành dụm tiền công đức để đưa các con lên thành phố học tập. Ngày 2 buổi bất kể nắng mưa, hình ảnh vị sư cô vóc dáng hao gầy đưa đón lũ trẻ đi học đã trở nên quen thuộc với người dân xã Hòa Thắng. Có người đồng lòng chia sẻ, giúp đỡ. Cũng có người buông lời cay nghiệt, tị hiềm, sư cô vẫn bình thản chăm lo cho đàn con tươm tất. Bà nói: “Đã thương thì thương cho trót. Người ngoài không hiểu rằng dù điều kiện vật chất đủ đầy bao nhiêu, vẫn không thể bù đắp nổi sự thiếu vắng hơi ấm gia đình, và nỗi khát khao có mẹ, có cha luôn thường trực trong con trẻ”.
Nhiều năm qua, sư cô luôn tìm người thân cho các cháu nhưng đều bặt vô âm tín. Chỉ một lần, có người phụ nữ trùm kín mặt lấp ló ngoài cửa chùa nhìn lũ trẻ đang vui đùa trước sân. Sư cô hy vọng người phụ nữ ấy mạnh dạn bước vào và nhận lại con. Nhưng không, cô ấy đã bỏ đi khi tiếng chuông chùa điểm 12 giờ, và từ đó đến nay không quay lại nữa. Vào tháng bảy hằng năm, sư cô Khánh Đức đều tổ chức một ngày lễ cầu siêu cho những thai nhi bị phá bỏ, truyền đi thông điệp đừng nạo phá thai và vứt bỏ thai nhi tội nghiệp.
Một trong những người đồng cảm với sư cô là anh Trịnh Xuân Mười (xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột). Thường xuyên tới thăm nom, biết sư cô mang trọng bệnh nhưng vẫn cố gắng bao bọc các cháu mồ côi trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, mới đây anh Mười đã tổ chức đêm nhạc từ thiện “Chia sẻ yêu thương”, quyên góp được 55 triệu đồng để trao tận tay sư cô ngay tại đêm nhạc. Anh Mười chia sẻ: Với nghĩa cử nhỏ bé này, anh mong sẻ bớt gánh nặng với sư cô Khánh Đức, người đã nhiều năm hết lòng thương yêu những con trẻ không may.
Thanh Hóa: Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở cổng chùa
Ngày 23/11, Trụ trì Thích Đàm Hiếu (chùa Gia, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) kể lại câu chuyện, lúc 4h30 ngày 20/11, thỉnh chuông chùa xong, vào ngồi thiền. Lúc này, thầy nghe tiếng xe ô tô, tiếng đập mạnh vào cổng sắt phía ngoài. Chùa bật điện sáng, ra ngoài cổng, mọi người quan sát, chỉ thấy 2 túi đồ (một chiếc giỏ nhựa, một ba lô đựng quần áo) ngay bên gốc cây vú sữa trước cổng chùa. Sờ vào còn thấy một đứa bé, sư trụ trì liền ôm bé vào chùa bái tổ phật rồi vào giường ủ ấm. Trong túi đồ có một mảnh giấy viết: Cháu bé tên Lê Diễm, sinh ngày 11/11, do điều kiện không nuôi được, nhờ nhà chùa cưu mang. Hiện cháu bé được chăm sóc tốt, ăn ngủ ngoan. Nếu sau 7 ngày, không có người đến nhận lại con, nhà chùa sẽ làm thủ tục để tiếp nhận nuôi.
Hoàng Lam