Sự cố đường sắt trên cao: Kiến nghị gửi công hàm tới ĐSQ Trung Quốc

Hiện trường vụ sập giàn giáo tại công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+.
Hiện trường vụ sập giàn giáo tại công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông do Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) thực hiện, trong một thời gian ngắn đã xảy ra 2 sự cố tai nạn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tâm lý lo sợ, bất an trong nhân dân mỗi khi phải lưu thông gần khu vực công trình. 

Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) xung quanh các giải pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn thi công cho dự án này trong thời gian tới.

- Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã tìm ra được nguyên nhân dẫn tới sự cố sập đà giáo xảy ra rạng sáng 28/2014 chưa, thưa ông?

Ông Triệu Khắc Dũng: Để tìm ra nguyên nhân sự cố sập đà giáo trong quá trình thi công đổ bêtông xà mũ trụ H7 nhà ga Bến xe Hà Đông của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông xảy ra rạng sáng 28/12, đến thời điểm hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập Tổ chuyên gia kỹ thuật gồm các thành viên là các chuyên gia đầu ngành của ngành giao thông để xem xét đánh giá đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân sập đà giáo và ngay trong sáng 31/12/2014, Tổ chuyên gia kỹ thuật đã tiến hành kiểm tra xem xét tại hiện trường sau đó sẽ họp để xem xét đánh giá sớm có kết quả báo cao với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải.

Đánh giá sơ bộ ban đầu, qua kiểm tra tại hiện trường cho thấy móng của đà giáo không có hiện tượng lún. Như vậy chỉ có bản thân đà giáo không chịu nổi áp lực từ khối bêtông bên trên lên đã đổ xuống.

Về giả thuyết đã đặt ra là xe taxi có thể đã va chạm vào đà giáo, chúng tôi khẳng định xe taxi không va chạm vào bất cứ đà giáo hay khung thép nào. Mà trong trường hợp có va chạm thì trong tính toán của các đà giáo đều có khả năng chịu được lực khá lớn mà xe taxi bị nạn trọng sự cố này tải trọng không lớn nên có thể loại trừ khả năng này.

Còn về vấn đề đổ bêtông trụ H7 theo đánh giá nhà thầu đã đổ lệch một phía khoảng 70m3 bêtông nhưng theo tôi đây không phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân chính là hệ thống trụ đỡ đà giáo chưa không đảm bảo.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, các nước cũng xây dựng những tuyến đường sắt trên cao tương tự, nhưng khi thi công các hạng mục trên cao, họ sẽ cấm xe lưu thông phía dưới, vậy tại sao Bộ Giao thông Vận tải không sử dụng biện pháp này, thưa ông?

Ông Triệu Khắc Dũng: Trên thực tế đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo sát sao về vấn đề tổ chức thi công.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã tổ chức làm việc nhiều lần với các đơn vị tổng thầu, tư vấn giám sát và Ban Quản lý dự án Đường sắt về nội dung tổ chức thi công, đặc biệt là công tác đổ bêtông trên cao.

Đặc biệt, ngày 11/11/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị 23/CT-BGTVT về tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình triển khai thi công các dự án, công trình giao thông.

Trong chỉ thị 23 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nêu rõ khi thực hiện đổ bêtông trên cao phạm vi đường quanh điểm thi công phải được phong tỏa, tuyệt đối không cho xe lưu hành bên dưới. Chỉ thị 23 cũng nêu rõ khi tiến hành thi công phải có người trực gác hai đầu chặn đường, hướng dẫn người dân di chuyển theo hướng khác.

Về phía Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình, sau khi Chỉ thị được ban hành, chúng tôi xuống tận công trường chỉ đạo chung và yêu cầu các nhà thầu phải thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Chỉ thị.

Đáng tiếc, quá trình thi công, tổng thầu và các đơn vị liên quan, đặc biệt là tư vấn giám sát đã không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 23 của Bộ trưởng, dẫn tới việc sập đà giáo rất đáng tiếc vừa qua.

- Vậy trong thời gian tới sẽ phải tăng cường những giải pháp nào để đảm bảo tuyệt đối công tác thi công của dự án, thưa ông?

Ông Triệu Khắc Dũng: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là dự án thực hiện theo dạng hợp đồng chìa khóa trao tay, vì vậy khi để xảy ra sự cố, Tổng thầu EPC phải chịu trách nhiệm chính.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đang rà soát và đã có đề xuất, kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải cần có sự đánh lại một cách toàn diện đối với Tổng thầu EPC của dự án, trong đó cần rà soát lại tất cả các nội dung công việc của tổng thầu tư khâu khảo sát, thiết kế đến biện pháp tổ chức thi công.

Cùng với đó cũng phải xem xét, đánh giá các biện pháp theo dõi của tư vấn giám sát trong quá trình tổ chức thi công.

Sự đánh giá tập trung vào các biện pháp tổ chức thi công trên cao, kiểm định các hệ thống đà giáo của tất cả 12 ga của dự án đang thi công, chứ không chỉ riêng tại nhà ga Hà Đông.

Hiện tại chúng tôi đã có báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải các đề xuất kiến nghị tạm thời đình chỉ toàn bộ việc xây dựng tại tất cả các nhà ga này trên dự án để kiểm định lại vấn đề tổ chức thi công.

Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến chính thức với tổng thầu trong việc chấn chỉnh công tác thi công trên toàn dự án, đồng thời có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc có chỉ đạo nhắc nhở nhà thầu đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với dự án đường sắt đô thi Cát Linh-Hà Đông.

Chúng tôi cũng kiến nghị tiếp tục rà soát xem xét lại tất cả các thầu phụ trên dự án trên các mặt như năng lực về thiết bị trình độ kinh nghiệm... Bên cạnh đó công tác kiểm soát về chất lượng dự án cần phải nâng lên mức độ cao hơn nữa.

Trong dự án này, từ giờ trở đi Ban Quản lý dự án Đường sắt, tư vấn giám sát hay thậm chí các nhà thầu khi quyết định tổ chức thi công một hạng mục nào liên quan đến đổ bêtông hay các công việc khác đều phải được sự cho phép của Tổ chuyên gia kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải vừa được thành lập để chỉ đạo trực tiếp dự án này.

Tổ kiểm tra kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra khi thấy đủ tiêu chuẩn mới cho triển khai. Tôi cho rằng nếu làm được những giải pháp trên sẽ giảm thiểu tối đa các rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng công trình cũng như công tác an toàn lao động và vệ sinh lao động trên công trường.

Tuy nhiên giải pháp trên có được triển khai đồng bộ, hiệu quả hay không đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia dự án này phải thống nhất trong công tác thực hiện dự án.


Theo Quang Toàn

Theo TTXVN/Vietnam+
MỚI - NÓNG