Sự cố chèn sóng không lưu không phải hiếm gặp

Phía trong sân bay Tân Sơn Nhất, tòa nhà hình trụ là cơ sở điều hành bay. Ảnh: Bảo An.
Phía trong sân bay Tân Sơn Nhất, tòa nhà hình trụ là cơ sở điều hành bay. Ảnh: Bảo An.
TP - Sự cố nhiễu sóng không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) ngày 16/6 không uy hiếp an toàn bay, nhưng gây thiệt hại cho các hãng hàng không... và đây không phải là sự cố hiếm gặp trên thế giới.

Trong 18 phút xảy ra sự cố, 6 chuyến bay phải chờ trên không và một chuyến bay của Jetstar Pacific (JP) từ Đà Nẵng đi TPHCM phải hạ cánh xuống Buôn Ma Thuột. Khi máy bay của hãng này hạ cánh xuống sân bay ở Tây Nguyên, hành khách thậm chí nghĩ rằng phi công hạ cánh nhầm sân bay. Hãng phải giải thích để trấn an hành khách rồi quay trở về sân bay Tân Sơn Nhất chậm 2 giờ so với lịch trình.

Sự cố này tiếp tục làm hàng loạt chuyến bay trong ngày của JP bị chậm dây chuyền (mỗi chuyến chậm ít nhất 30 phút). Các hãng hàng không khác cũng bị chậm một số chuyến do phải bay chờ trên không.

Cho đến chiều tối 17/6, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam cho hay, các đoàn công tác vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân sự cố.

Nói về sự cố, đại diện cơ quan này cho hay, tần số liên lạc chính vẫn hoạt động, nhưng bị sóng khác chèn vào nên thông tin giữa phi công và kiểm soát viên không lưu không rõ ràng, chứ chưa hoàn toàn mất sóng. Theo quy trình điều hành bay, tần số dự phòng lập tức được đưa vào thay thế để đảm bảo an toàn bay. Đại diện Tổng Cty Quản lý bay khẳng định: “Các tình huống phát sinh đều đã có quy trình để xử lý”. 

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 17/6, một lãnh đạo Cục Hàng không cho hay, sự cố nhiễu sóng không lưu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bay nhưng không phải là sự cố hiếm gặp trên thế giới. Ngành Hàng không luôn thiết kế phương án ứng phó.

Về liên lạc giữa máy bay và mặt đất, ông Đinh Đức Tuấn - Phó Trưởng ban An toàn chất lượng, an ninh của Vietnam Airlines cho hay: Trên máy bay có các hệ thống liên lạc bằng radio, bằng phương thức truyền tin nhắn, điện văn; ngoài ra, còn có ra-đa nhận dạng. “Trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào máy bay hoạt động bình thường mà tất cả các hệ thống liên lạc với mặt đất bị cắt hoàn toàn” – ông Tuấn nói.

Theo thông báo chính thức của Cục Hàng không Việt Nam, từ 7 giờ 47 đến 8 giờ 5 phút ngày 16/6 xảy ra hiện tượng “can nhiễu” trên tần số điều hành bay tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Khi xảy ra sự cố, ngay lập tức cơ sở điều hành bay thực hiện phương án dự phòng (sử dụng các tần số dự bị theo đúng quy trình), bảo đảm điều hành bay an toàn tuyệt đối. Trong khoảng thời gian nêu trên, có 6 chuyến bay chờ và 1 chuyến phải chuyển hướng tới sân bay dự bị. Từ thời điểm 8 giờ 5 phút, cơ sở điều hành bay điều hành bình thường trên tần số chính. Cục Hàng không mời Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin & Truyền thông) vào Tân Sơn Nhất tìm hiểu nguyên nhân ngay trong ngày. 

Một lãnh đạo Cục Hàng không cho hay, sự cố nhiễu sóng không lưu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bay nhưng không phải là sự cố hiếm gặp trên thế giới.

MỚI - NÓNG