“Lực lượng Hàng không vũ trụ đã có được chiếc máy bay Sukhoi-57 sản xuất theo lô đầu tiên”, một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga nói với hãng tin Tass. "Nó đã được giao cho một trung đoàn ở quân khu phía Nam."
Đầu tháng 12, Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành Rostec, tập đoàn quân sự công nghệ cao của Nga, cho biết chiếc Sukhoi-57 được sản xuất loạt đầu tiên trang bị động cơ giai đoạn đầu được cung cấp cho quân đội Nga vào cuối năm ngoái, và chiếc Su-57 đầu tiên trang bị động cơ giai đoạn hai sẽ được lắp ráp vào năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết trong cuộc họp hội đồng Bộ Quốc phòng rằng có tổng cộng 22 chiếc sẽ được cung cấp vào cuối năm 2024. Theo hợp đồng hiện tại, được ký vào năm 2019, tổng cộng có 67 chiếc sẽ dần được chuyển giao từ nay đến cuối năm 2028.
Dù chương trình Su -57 gặp trục trặc nhiều lần và ban đầu, giới chuyên gia phương Tây có vẻ hạ thấp chúng, nhưng thời gian gần đây, giọng điệu này đã thay đổi. Một số chuyên gia Phương Tây đánh giá cao chiếc tiêm kích thế hệ 5 của Nga và có người còn đặt vấn đề: Phải chăng Su-57 chính là khắc tinh của tiêm kích tàng hình F-22 của không quân Mỹ?
Su-57 lần đầu tiên bay vào tháng 1 năm 2010. Máy bay là minh chứng của sự kết hợp các chức năng của một máy bay cường kích và một máy bay tiêm kích. Máy bay có một chỗ ngồi, hai động cơ thế hệ thứ năm được thiết kế cho các hoạt động tấn công và chiếm ưu thế trên không. Nó có thể tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên mặt nước. Việc sử dụng vật liệu composite cùng với cấu hình khí động học đã giúp nó giảm tín hiệu phản xạ radar và tia hồng ngoại.
Su-57, cũng là máy bay Nga đầu tiên sử dụng công nghệ tàng hình, được thiết kế thêm để có khả năng cơ động siêu vượt trội, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến để vượt qua các cuộc tấn công từ máy bay chiến đấu thế hệ trước cũng như các hệ thống phòng thủ mặt đất và trên biển. Máy bay đa nhiệm này có tốc độ hành trình siêu âm, khoang chứa vũ khí bên trong, lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến và các thiết bị mới nhất.
Ngoài ra, tiêm kích Su-57 có hệ thống radar độc đáo trải khắp thân và nó là máy bay chiến đấu duy nhất trên thế giới trang bị “Hệ thống đối phó hồng ngoại trực tiếp” (DIRCM). Máy bay cũng sử dụng buồng lái chống tên lửa, bảo vệ máy bay trước các tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại. Không rõ chính xác mức độ thành công của công nghệ này như thế nào, vì trước đây chủ yếu chỉ được áp dụng trên các máy bay vận tải và trực thăng.
Tại triển lãm hàng không MAKS tháng 8 năm 2013 ở ngoại ô Moscow, một số máy bay thử nghiệm Su-57 đã cất cánh, trong khi nhà sản xuất máy bay cũng trình diễn các loại tên lửa có thể lắp vào khoang chứa vũ khí khổng lồ hoặc dưới cánh và thân máy bay. Cũng có báo cáo cho rằng vũ khí trang bị của máy bay có thể bao gồm tên lửa siêu vượt âm.
Hiệu suất và khả năng của Su-57 đã được thử nghiệm ở Syria, nhưng vào cuối năm 2019, độ tin cậy của nền tảng này đã bị đặt dấu hỏi khi một chiếc Su-57 bị rơi và phát nổ trong một buổi huấn luyện ở vùng Viễn Đông của Nga. Máy bay gặp nạn được cho là chiếc Su-57 đầu tiên được sản xuất loạt, dự kiến sẽ được chuyển giao cho Không quân Nga. Điều đó đã làm trì hoãn việc triển khai chiếc máy bay đầu tiên cho đến tháng 12 vừa qua.