> Stress – Bệnh đặc thù của thế kỷ 21
Cuộc sống đến nay của chị sụp đổ trong đống gạch vụn, khi tranh thủ giờ nghỉ trưa chị đánh xe ra phố mua cái bóng đèn. Barbara Kraus – bác sĩ Tâm lý trị liệu có tay nghề cao, người mẹ một mình nuôi con nhỏ, chủ nhân ngôi nhà tự xây – đang lúc chờ đèn đỏ, khi xe hơi của chị bị chiếc chạy sau tông vào đuôi. Thực tế vụ va chạm không gây hỏng hóc gì, song ngay ngày hôm sau chị cảm thấy thật tồi tệ. Toàn thân đau ê ẩm, mất ngủ, rối loạn thị lực. Chị không thể nhớ mã số tài khoản và quên cả cách nấu bát mỳ. Cuối cùng chị kiệt sức đến mức phải vất vả lắm mới leo được lên tầng ba ngôi nhà của mình.
Kết quả thăm khám sức khỏe không cho thấy dấu hiệu khác lạ, song chị cảm thấy ngày càng khó chịu. Chị nhìn thấy, cuộc đời của mình dẫn vỡ ra từng mảng thế nào. Sau hai năm chi tiêu hết số tiền tiết kiệm, nhà cửa, tay nghề bác sĩ Tâm lý trị liệu và cuối cùng bị tước cả quyền chăm sóc đứa con trai mười tuổi. Chị chỉ còn cuộc sống trong khu nhà bảo trợ xã hội ở miền Nam nước Đức.
Tệ hơn AIDS
Tất cả với Jakob Becker cũng bắt đầu một cách tự nhiên. Vị giám đốc tài chính một hãng bảo hiểm mới trở về sau kỳ nghỉ phép bốn tuần, song ông thấy người chưa khỏe hẳn. Lúc nào cũng kiệt sức và bức bối. Becker khởi động máy tính của mình tại văn phòng ở Frankfurt: hộp thư điện tử đầy ắp dữ liệu, tuy nhiên không có gì đặc biệt. Chỉ có thực tế Becker không còn khả năng tiếp tục công việc: đọc e-mail, song không hiểu gì.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi stress nghề nghiệp là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất của thế kỷ XXI. Theo số liệu thống kê trầm cảm hiện đã là gánh nặng lớn nhất của các quốc gia giầu có, bởi nó làm suy giảm chất lượng cuộc sống hoặc cắt ngắn tuổi thọ. Trong khi tại các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) các bệnh có nền tảng tâm lý đang có xu hướng mở rộng. Đến năm 2030 – theo đánh giá của WHO – trầm cảm có thể trở thành vấn đề sức khỏe lớn nhất, vượt qua cả các bệnh hệ tim-mạch và AIDS.
Khái niệm “kiệt sức tâm lý” được chuyên gia phân tâm học người Mỹ gốc Đức Herbert Freudenberger phổ cập đầu những năm 70. Tuy nhiên hội chứng kiệt sức tâm lý tấn công nhân loại đã hàng ngàn năm. Mệt mỏi vì công việc phục vụ Ông Chủ, nhà tiên tri Elias đã trốn chạy ra hoang mạc, thân thể rã rời “cầu xin, để linh hồn được siêu thoát”. Về sau hội chứng này được đặt tên là “sự mệt mỏi Elias”. Gần đây hội chứng kiệt sức tâm lý như một bệnh phổ biến đã trở thành hiện tượng mang tính thời đại. Theo nhà triết học Hàn Quốc, GS Byung-Chul Han, nhà khoa học đã nhiều năm giảng dạy tại một số trường Đại học tại Đức, trầm cảm và kiệt sức tâm lý là bệnh nguy hiểm của thế kỷ XXI.
Chuyên gia xã hội học Pháp, GS Alain Ehren berg khẳng định, trầm cảm ngày càng phổ biến, bởi nhiều người không có khả năng tận dụng tình hình mới để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc. Jakob Becker – giám đốc tài chính ở Frankfurt bước vào tuổi 41, khi tự loại mình ra khỏi guồng máy. Becker ví công việc của mình như chiếc xe đua thể thao. Cần bổ sung vài ba sức ngựa cho mỗi đỉnh cao sự nghiệp và ngày càng phóng nhanh trên đường cao tốc. Có nhìn thấy bức tường lớn trước mặt, song không thể né tránh hoặc hãm phanh. – Vậy nên người điều khiển tiếp tục nhấn ga với hy vọng, sẽ không bị va đập.
Khát vọng vô cùng
Becker đã tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh tại một trường đại học danh tiếng ở nước Đức. Từng có công việc thu nhập khá tại một hãng bảo hiểm. Hai năm thăng tiến một bậc. 40 tuổi đã lên chức Giám đốc Tài chính. Vợ, hai con nhỏ, nhà ở đẹp, xe hơi sang trọng – lý lịch tuyệt vời. – Tôi từng tin rằng, nhờ nỗ lực thích hợp, “cuộc sống tốt” sẽ tiến dần đến trạng thái “rất tốt”. 5 năm trước hãng của Becker bị sát nhập vào một tập đoàn quốc tế. Bây giờ mọi quyết định đều được định hoạt ở Munchen, Paris, hoặc nơi nào khác, không phải ở Frankfurt. – Những gì tôi làm không còn bất cứ ảnh hưởng nào tới chiến lược chung – nạn nhân than thở. Thậm chí cả trong những ngày nghỉ cuối tuần giám đốc cũng không được phép nghỉ ngơi, bởi ở tập đoàn khổng lồ lúc nào cũng có khả năng bị buộc thôi việc.
Đã nhiều năm Becker bỏ qua mọi tín hiệu cảnh báo: những cơn nhức đầu, tiêu chảy, đổ mồ hôi ban đêm, mệt mỏi triền miên và mất dần mối quan hệ xã hội. Đến ngày chủ nhật tháng Tám năm trước, khi đâm vào “bức tường đen” Becker mất hẳn trí nhớ và rời khỏi phòng làm việc. Hai giờ sau Becker đã ngồi bên bác sĩ gia đình và khóc như con nít. Đã hơn 15 năm Chuyên gia xã hội học y tế Johannes Siergrist nghiên cứu hội chứng kiệt sức tâm lý. Ông là tác giả lý thuyết “Khủng hoàng ban thưởng”.Đằng sau khái niệm mờ ảo này ẩn giấu giả thiết cho rằng, rối loạn tâm lý có thể xuất hiện, một khi trạng thái cân bằng giữa những gì nhân viên công hiến và quyền lợi xứng đáng được hưởng bị đảo lộn. Siergrist khẳng định, trong vòng 5 năm qua nguy cơ trầm cảm tăng 70% vì lý do nhân viên thường xuyên bị áp lực quá lớn, bị khiển trách vô lý hoặc đối xử bất công.
Vai trò môi trường sống
Mới vài năm trước thực tế tất cả nhân viên văn phòng đều được “đóng đinh” vào vị trí nhất định. Hiện nay Internet và laptop cho phép làm việc gần như tại bất cứ chỗ nào trên thế giới. Cá nhà khoa học chuyên nghiên cứu thời gian làm việc nói đến kỷ nguyên “dịch chuyển giới hạn công việc”. “Thời gian làm việc thay đổi đột biến, cùng với nó là toàn bộ nhịp điệu sinh họat hàng ngày” – hai nữ chuyên gia xã hội học, GS Mechtild Oechsle và Anina Mischau khẳng định. Nhân viên hiện đại không thể rời bỏ cảm giác: lúc nào cũng phải sẵn sàng và phục vụ hết mình công việc của bản hãng.
Cho dù những thay đổi xã hội và áp lực trên thị trường lao động gia tăng liên quan đến tất cả mọi người, song không phải tất cả đều bị trầm cảm vì lý do kiệt sức tâm lý. Tại sao một số người có hể tự xoay sở thậm chí với tình trạng căng thẳng nhất và mọi đòn đánh của số phận, những người khác bị gục ngã?
Theo GS Dirk Helhammer, chuyên gia Sinh học Tâm lý (Đại học Trevir) – sự bùng nổ gien di truyền quy định bởi yếu tố môi trường, hoặc sự thiếu nó trong những năm đầu đời “là nhân tố quan trọng hơn hẳn nhân tố nguy cơ” bắt nguồn từ những ứng xử sau này vì lý do stress. GS Helhammer giải thích, hệ thần kinh trung ương của trẻ phát triển trong giai đoạn phôi thai và trong những năm đầu đời; cùng lúc nó phản ứng với căng thẳng của người mẹ và tác động tiêu cực của môi trường trong những năm đầu tuổi ấu thơ. Nếu hệ tiết xuất nội tâm đã quen với trạng thái stress liên tục quá sớm, ở tuổi trưởng thành hệ thống báo động cũng sẽ phản ứng đặc biệt mẫn cảm với áp lực tâm lý.
Trong xã hội khổ sở vì stress, trong đó phụ nữ mang thai cũng thường xuyên bị áp lực lớn, sẽ sinh ra ngày càng nhiều trẻ em bẩm sinh đặc biệt phản ứng xấu với trạng thái căng thẳng thần kinh. Những đứa trẻ dạng này đến tuổi trưởng thành thường sớm trở thành nạn nhân hội chứng cạn kiệt tâm lý hoặc trầm cảm. – Tất cả chúng ta đều có thể cống hiến nhiều hơn, nếu như có việc làm với thu nhập hợp lý, được đánh giá đúng mức và có mối quan hệ tình cảm ổn định. Đó là những rào cản bảo vệ con người hiệu quả trước nguy cơ cạn kiệt tâm lý và hội chứng trầm cảm – GS Helhammer nói tiếp.
Theo Dương Hòa
Tri Thức Trẻ