Sốt xuất huyết phá vỡ quy luật, nhiều bệnh nhân còn trẻ tử vong

TPO - Dịch sốt xuất đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội khi số ca mắc liên tục tăng. Tại những bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận nhiều ca tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh viện này dành tỉ trọng giường lớn hơn cho sốt xuất huyết. Mỗi ngày tiếp nhận 70-80 ca, trên 30 ca có dấu hiệu cảnh báo - đe dọa diễn tiến nặng trong vài tiếng tới. Hiện có 80 bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng.

“Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận ca tử vong. Chúng tôi cố gắng kiểm soát ca bệnh nặng, ca có dấu hiệu cảnh báo để hạn chế tử vong. Sau dịch COVID-19, các bác sĩ của bệnh viện quen với việc tăng cường mở rộng giường bệnh để đáp ứng nhu cầu bùng phát đột ngột nên trong trường hợp có nhiều bệnh nhân hơn nữa chúng tôi vẫn có thể đáp ứng được”, bác sĩ Cấp thông tin.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết luôn kín giường. Khoảng 6% số bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng, còn 94% trung bình, nhẹ tự khỏi. Trong 6% nếu phát hiện sớm, kịp thời, xử lí đúng, sẽ không diễn biến nặng. Ngược lại, nếu không kịp thời điều trị, diễn biến nặng sẽ dẫn đến tử vong.

“Trong năm nay ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc, có bạn sinh viên trẻ sốt, 3-4 ngày sốt cao có bạn ở nhà chăm. Sau đó lui sốt, bạn (người chăm) đi học thì bệnh nhân ở nhà xuất hiện sốc. Lúc phát hiện đưa đi viện thì đã quá muộn. Có trường hợp tương tự người lớn tuổi, lúc sốt cao pha 1 thì con cái ở nhà chăm sóc, sang pha 2 đỡ sốt con cái đi làm, để cụ ông ở nhà một mình, đến cuối buổi quay về thì cụ ông đã diến tiến nặng”, Phó Giám đốc Nguyễn Trung Cấp nói.

Ông đồng thời cho biết, điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo, chưa sốc thì phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện được để diễn tiến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỉ lệ cứu sống không được cao.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) các phòng điều trị chật cứng người nằm, các giường đều phải nằm ghép 2, thậm chí ghép 3. Bệnh nhân sốt xuất huyết hiện chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân của Trung tâm. Riêng ngày 2/10, đã có 2 bệnh nhân nặng xin về và tử vong tại nhà.

“Năm nay, số bệnh nhân nặng tăng, số ca tử vong cũng tăng. Tại Trung tâm đã có 6 bệnh nhân tử vong do đến bệnh viện muộn. Đáng nói nhiều bệnh nhân còn trẻ, trong độ tuổi 22-35. Hiện tại không thấy có bằng chứng nói rằng virus tăng độc tính hay có type bất thường. Tuy nhiên, năm ngoái Hà Nội đã xảy ra dịch, năm nay lại tiếp tục bùng dịch sốt xuất huyết, không theo chu kì khoảng 5 năm/lần như trước, lại là điều hiếm gặp, cho thấy công tác phòng, chống dịch cần phải chủ động và tăng cường hơn. Số lượng bệnh nhân đang điều trị ở Trung tâm chủ yếu sống ở Hà Nội, nhưng đang có xu hướng lan rộng ra các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam… “, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới nói.

Sốt xuất huyết phá vỡ quy luật, nhiều bệnh nhân còn trẻ tử vong ảnh 1

Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại BV Bạch Mai

Theo bác sĩ Cấp, nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi dễ diễn biến nặng. “Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp. Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lí khó khăn hơn rất nhiều. Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn. Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác; người da trắng thường nặng hơn người da vàng... nhưng chỉ là những yếu tố phụ”, bác sĩ Cấp cho biết thêm.

Sốt xuất huyết phá vỡ quy luật

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin: “Trước đây, rất nhiều nhà khoa học, qua quá trình theo dõi dịch sốt xuất huyết nhận thấy thông thường chu kì 4-5 năm bùng phát. Tuy nhiên, hiện nếu dựa trên quan điểm này có vẻ hơi sai lầm. Năm ngoái, Việt Nam có số ca mắc, tử vong sốt xuất huyết lớn nhất trong lịch sử. Nếu nghĩ 4-5 năm mới trở lại chu kì, thì năm nay, dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam rất đơn giản. Nhưng từ đầu năm đến nay, Việt Nam có số mắc, tử vong do sốt xuất huyết cao trên thế giới. Hà Nội thời điểm này số ca mắc sốt xuất huyết rất cao, dịch sốt xuất huyết không theo chu kì như vậy nữa”.

TS Dũng cho biết thêm, bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp trước mắt vẫn là tiêu diệt bọ gậy, không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết - loại bỏ các ổ bọ gậy như chậu hoa, cây cảnh, không lật úp được thì thả cá. Khu có công trường có nhiều ổ nước đọng thì có thể sử dụng hóa chất diệt bọ gậy, thả cá vào bể nước. Trong nhà dân, cần chú ý xô chậu không dùng hay để trên sân thượng, ổ bọ gậy ở đây thường rất nhiều. Ở tầng 1 chưa chắc nhiều bọ gậy bằng sân thượng. Người dân cần loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng là cách tốt nhất để phòng chống dịch bệnh hiện nay.

MỚI - NÓNG
Điều quan trọng về điện hạt nhân; số phận hồ chứa nước hơn 5.550 tỷ
Điều quan trọng về điện hạt nhân; số phận hồ chứa nước hơn 5.550 tỷ
TPO - Mỗi ga tàu tốc độ cao Bắc - Nam đều 'đính kèm' khu đô thị; dự án Hồ chứa nước Bản Mồng: Mổ xẻ lỗi 'rùa bò' của Nghệ An, Thanh Hóa; điều kiện tiên quyết khi Việt Nam tái khởi động điện hạt nhân; chủ đầu tư dự án tai tiếng ‘xin’ Trung ương 220 tỷ đồng... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
CEO Ngân hàng Quân đội hát nhảy 'Bên trên tầng lầu' gây sốt
CEO Ngân hàng Quân đội hát nhảy 'Bên trên tầng lầu' gây sốt
TPO - Ca khúc “Bên trên tầng lầu” do Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội Phạm Như Ánh song ca với ca sĩ Tăng Duy Tân được lan truyền rộng rãi, tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội, thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận và khen ngợi về tinh thần sáng tạo, cởi mở và năng động của ban lãnh đạo ngân hàng này.