Hà Nội:

Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi sau 1 tuần

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo thống kê của Bộ Y tế, tích luỹ từ đầu năm đến ngày 1/10, cả nước ghi nhận 86.078 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 21 ca tử vong.
Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi sau 1 tuần ảnh 1
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.

So với cùng kì, số mắc tăng 75%, số tử vong tăng 18%. Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi.

Trong tuần qua cả nước ghi nhận 5.250 ca mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng trong vài tuần gần đây.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Nhưng trong 2 tuần gần đây, số ca mắc đã tăng gấp đôi với khoảng 140 ca/tuần. Riêng trong tuần qua (từ ngày 22 - 29/9), thành phố có 141 ca mắc tay chân miệng và 3 ổ dịch. Chín tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận 1.798 ca mắc tay chân miệng (tăng 1,2 lần so với cùng kì năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè sẽ khiến số ca tay chân miệng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên năm nay Khoa Nội Tổng quát tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…

Theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.