Không có khái niệm “nhìn”
Chiều hôm ấy, tôi gặp Nguyễn An Như, một cô gái khiếm thị bẩm sinh tại căng-tin của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Như hiện đang là sinh viên năm hai khoa Âm nhạc truyền thống của Học viện. Cô luôn khoác theo một chiếc đàn tranh trên lưng, dù nó có vẻ hơi “quá khổ” với thân hình nhỏ nhắn của cô. Như bảo, đây là cách để cô cảm thấy âm nhạc luôn ở bên mình.
Không trắng. Không đen. Không sáng. Không tối. Không đậm. Không nhạt. Chỉ có mùi hương, mùi vị, âm thanh và cảm giác. Đó là miêu tả của Như về thế giới của một người khiếm thị bẩm sinh. Theo Như, đó chỉ là một khoảng không vô tận, không có bất cứ thứ gì để nhìn. Vì vậy, khái niệm “nhìn” với Như không tồn tại. Cô không hiểu “nhìn” thực sự là gì.
Như chỉ có thể phân biệt được màu sắc qua cảm giác và cảm xúc, nhưng phải được “dạy” từ trước. Chẳng hạn, khi được học rằng màu đỏ tạo cảm giác ấm áp, vui tươi còn màu xanh tạo cảm giác mát mẻ, thư thái, cô sẽ ghi nhớ điều đó và hình thành một phản xạ có điều kiện khi nghe thấy tên những màu đó sau này. “Nếu chạm tay vào một dòng nước mát, em sẽ nghĩ rằng nó có màu xanh. Nhưng nếu dòng nước ấy ấm hoặc nóng, em sẽ nghĩ rằng nó có màu đỏ hoặc cam”, Như chia sẻ.
Anh Lê Tuấn Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội |
Cô gái khiếm thị Nguyễn An Như, sinh viên năm hai khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam |
Hình dung về đồ vật của người mù bẩm sinh dựa hoàn toàn vào sự ghi nhớ cảm giác. Đó là giải thích của anh Lê Tuấn Hà, một người mù bẩm sinh, hiện đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội). Suốt 28 năm qua, anh đã dùng bàn tay thay cho đôi mắt để nhận diện hình dạng của mọi đồ vật.
Ví dụ, khi lần đầu sờ vào một chiếc cốc sứ, anh sẽ nhớ cảm giác về hình khối của cốc và bề mặt của sứ để phân biệt với một chiếc cốc gỗ hoặc một cái nồi sứ sau này. Nhưng để “vẽ” lại chính xác hình dạng của chiếc cốc đó trong đầu thì anh không thể. Con người cần đường nét, hình khối và màu sắc để tạo hình bất kỳ vật gì, mà đó lại là những thứ anh chưa bao giờ biết tới.
Yêu qua mùi hương và tiếng nói
Như yêu âm nhạc từ nhỏ. Những bản nhạc, bài hát về tình yêu luôn làm cô tò mò. Cô tự hỏi tình yêu có hương vị như thế nào? Liệu tình yêu có thể đánh thức trái tim cô, giúp cô tìm thấy “bình minh” của mình không?
“Em đã trải qua ba mối tình đơn phương. Người đầu tiên tên Xuân, một chàng trai thơm tho, có chất giọng ấm và biết thổi sáo. Tiếng sáo trúc tròn đầy của Xuân không lẫn vào đâu được. Mỗi lần gặp Xuân, trong đầu em lại vang lên bản nhạc Hora Staccato mà anh ấy thường biểu diễn. Người thứ hai là Khánh, chàng trai đã cho em biết cảm giác của cái nắm tay đầu đời. Nó chặt, ấm áp và kiên quyết vô cùng. Tưởng như dù có chuyện gì xảy ra, Khánh cũng sẽ không buông tay em. Còn Duy Anh, chàng trai thứ ba thì có cách cư xử rất tinh tế và trưởng thành. Khi đi cùng Duy Anh, em không còn cảm thấy mình là người khiếm thị nữa. Dù không thành đôi, nhưng họ đã giúp em hiểu”, Như kể.
Và Như cũng đã trải qua một cuộc tình, dù không được như mong đợi. Cô luôn mơ ước được yêu một chàng trai sáng mắt, nên đã gật đầu không chút do dự khi được người ấy tỏ tình. Nhưng về sau, cô mới biết mình chưa hiểu hết về anh. Chàng trai ấy cũng thấy mình chưa đủ tốt với Như, bởi cô không giống những người con gái anh từng quen. Mối tình ấy giúp Như nhận ra thêm một điều: hai trái tim chung nhịp đập mới là điều quan trọng nhất trong tình yêu.
Nhưng trên hành trình ấy, điều quan trọng nhất Như học được là trước khi yêu một ai đó, hãy học cách yêu bản thân mình trước. “Trên cơ thể, em yêu nhất là mái tóc dài, làn da mịn màng và nụ cười “không nhìn thấy mặt trời” của mình. Em tin mình là một cô gái đẹp, đẹp theo kiểu giản dị, kín đáo chứ không phải kiểu quyến rũ, gợi cảm. Em yêu những bộ áo dài, váy yếm em hay mặc, yêu những lọ nước hoa em thường dùng, yêu cả tiếng đàn của mình. Em tin rằng nếu muốn tìm thấy bình minh của cuộc đời, thì phải tìm được bình minh trong trái tim mình trước”, Như nói.
“Nếu có một điều ước, tôi sẽ không chọn được sáng mắt”
Với anh Hà, những gì đẹp nhất của cuộc sống đều nằm trên đôi bàn tay của cha mẹ. Bởi trên những bàn tay ấy, mọi thăng trầm trong cuộc đời của hai ông bà đều được dòng thời gian khắc ghi lại.
Nguyễn An Như biểu diễn cùng cây đàn tranh của mình |
“Cả cha và mẹ tôi đều có bàn tay của dân lao động. Bàn tay cha thô ráp, sần sùi những vết chai vì ông từng làm trong ngành xây dựng. Ở nhà, ông cũng xắn tay vào làm mọi thứ như sửa điện, sửa nước, sửa xe, rồi tự tay đóng, hàn các đồ gia dụng như bàn, ghế, tủ, giường… Bàn tay mẹ thì loang lổ những vết da bị ăn mòn và thường nhơm nhớp dầu mỡ, vì bà mở hàng lẩu và tự tay nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp. Chỉ qua cái nắm tay, tôi có thể hiểu được hai ông bà đã sống lam lũ, vất vả như thế nào để chăm lo cho con cái”, anh nói.
Thời gian trôi đi, anh Hà thấy bàn tay của mẹ và cha đã thay đổi nhiều. Những nếp nhăn xuất hiện, đè lên những vết chai và vết da bị ăn mòn. Cái nắm tay của hai ông bà đã không còn chặt như xưa. Anh hiểu rằng, thời gian ở bên cha mẹ của anh đang dần ngắn lại.
“Tôi thường nghe nói người khiếm thị bẩm sinh chỉ thấy một “màn đêm đen” từ khi chào đời, nhưng không phải vậy. Tôi chưa từng thấy ánh sáng, màu sắc và hình ảnh, nên chẳng biết thế nào là trắng hay đen, sáng hay tối, đậm hay nhạt. Chỉ là không có gì cả thôi”. Anh Lê Tuấn Hà
“Không chỉ có bàn tay thay đổi. Mỗi lần vuốt tóc mẹ, tay tôi lại vương đầy những sợi tóc xơ. Còn mỗi lần ngồi yên xe máy của cha, tôi thấy tấm lưng gầy của ông chốc chốc lại nảy lên sau những cú ho. Và cái “mùi người già” đặc trưng cũng ngày càng rõ rệt”, anh Hà nói.
Dù vậy, anh Hà luôn cảm thấy day dứt vì cha mẹ vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về anh. Mỗi khi nhắc đến chuyện cưới xin của anh là ông bà lại thở dài. Ở tuổi ngoài 60 như ông bà, nhiều người đã có cháu bồng.
Nếu có một điều ước, anh Hà sẽ ước cho cha mẹ được khoẻ mạnh như xưa chứ không chọn trở thành người sáng mắt. Anh đã quen với thế giới của người khiếm thị bẩm sinh như cá quen sống dưới nước, như chim quen sống trên bầu trời. Thế giới ấy chẳng có gì khiến anh sợ hãi. Anh chỉ sợ một ngày nào đó, những bàn tay của cha mẹ chỉ còn là ký ức.
(Còn nữa)