Song phương và Tướng Giáp

Song phương và Tướng Giáp
TP - Brunei vương quốc có gần… 500 ngàn dân và giầu nhất nhì hành tinh. GDP bình quân trên 50 ngàn USD/người/năm. Nước ngoài hùng mạnh như Anh, Mỹ và mấy quốc gia khác còn nợ Brunei chừng 160 tỷ USD. Giầu mạnh những đâu chả biết bởi có được… đi đâu vì suốt chuyến đi chỉ chồn chân ở Trung tâm báo chí (TTBC) ASEAN 23 này?

> Bắt đầu để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
> 500 nhân viên an ninh đảm bảo đưa Đại tướng lên chuyên cơ an toàn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Ngoại trưởng J. Kerry, đại diện Tổng thống Hoa Kỳ tại ASEAN 23. Ảnh: Đức tám
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Ngoại trưởng J. Kerry, đại diện Tổng thống Hoa Kỳ tại ASEAN 23. Ảnh: Đức tám.

Ấy thế mà hay, bởi có dịp ngắm ngó vài nơi đáng ngó.

Và âm thanh nghe thấy ở chốn này là Tướng Giáp, Võ Nguyên Giáp!

Lóe thêm những tín hiệu...

Màn hình TTBC loang loáng tường thuật sự kiện hai ông lớn đến Brunei về với ASEAN 23. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Cả hai không phải bay từ quý quốc mà mới rời APEC bên láng giềng Indonesia.

Bàn bên âm thanh vốn ồn ã của mấy ông ký giả Bắc Kinh sang săn tin từ mấy hôm trước thêm ồn hơn rằng Cấp cao ASEAN - Trung Quốc đúng 16 năm liền Trung Quốc không năm nào vắng mặt. Thế mà Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ năm đầu tiên này, Tổng thống Obama không tới…

Ông bạn đồng nghiệp bật cười, lẩm bẩm theo giọng một số đồn đoán lẫn... loạn bình của thiên hạ rằng thì các ông càng thêm rộng chỗ!

Sự kiện Tổng thống Obama vắng mặt ở APEC và ASEAN kỳ này đã dậy lên lắm những cái thở dài rằng Hoa Kỳ nói vậy nhưng không phải vậy. Tổng thống không dự, không họp với APEC và ASEAN là đã giã từ quyết tâm xoay trục sang châu Á (!?) Rồi các cuộc gặp song phương lẫn đa phương của nước chủ nhà cùng nhiều nước khác với Hoa Kỳ kém hẳn khí thế! Rằng trên 2 diễn đàn quan trọng là APEC và ASEAN, Hoa Kỳ mất vị thế Trung tâm và ai đó thừa cơ chiếm diễn đàn?!

Nghe vậy thì biết vậy!

Chiều muộn 9/10, John Kerry đến với Brunei, tới Cấp cao ASEAN không phải với tư cách Ngoại trưởng Hoa Kỳ mà ông cắp theo một thượng phương bảo kiếm, một quyền trượng là thay mặt cho Tổng thống Obama dự cuộc họp quan trọng cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ.

Với cái cà vạt màu xanh dương, có thể trên diễn đàn châu Á quan trọng trước bàn dân thiên hạ này, ông đã phát (tất nhiên có thể không phải phong cách, mà có ký giả nhận xét là khúc triết lẫn chì chiết rất ấn tượng của Tổng thống Obama?). Nhưng cánh báo chí bàn nhau nếu Tổng thống Obama trước đông đảo bàn dân thiên hạ Á châu, chắc lượng thông tin cũng đến thế là cùng. Nghĩa là không có một động thái nào ở Nhà Trắng ảnh hưởng vướng bận lẫn thay đổi gì đến quyết tâm đến chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á!

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nhật Bắc.

Và tại Hội nghị cấp cao sáng 10/10, chất giọng lẫn thông tin còn hơn thế… Không hẹn mà nên, tại diễn đàn quan trọng này, đại diện Tổng thống Hoa Kỳ J. Kerry và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đề cập đến vấn đề chủ quyền cùng an ninh hàng hải trên Biển Đông được đông đảo các đại biểu tán đồng là phải sớm có Bộ quy tắc ứng xử COC…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó đã ngỏ với ngài phái viên của Tổng thống Obama rằng, tôi vui mừng được biết ngài với Bộ trưởng Phạm Bình Minh vừa ký tắt Hiệp định 123. Đây là một tiến triển tích cực, là bước đi quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc Việt Nam tiếp cận công nghệ cao của Hoa Kỳ về năng lượng hạt nhân và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự trong tương lai.

Sáng 10/10, ông John Kerry thoắt trở lại vị thế ngoại trưởng Hoa Kỳ với chiếc cà vạt gam màu ấm khi ông ngồi với Bộ trưởng Phạm Bình Minh trong cuộc gặp song phương Việt - Mỹ. Không phải cuộc gặp suông hiếu hỉ mà cả hai đương bàn và tiến hành một việc trọng. Đó là việc cả hai cùng ký tắt một văn bản, đúng hơn là một Hiệp định mà giới báo chí cho rằng đã đánh một dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ. Đó là hiệp định về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Lễ ký tắt diễn ra nhanh, chừng như ông J. Kerry đương dồn tụ năng lượng cho một cuộc gặp song phương Mỹ - Việt ngay kế theo.

Ngắm vị đại diện cho Tổng thống Hoa Kỳ bữa nay ở xứ Brunei Đông Nam Á, với động thái lanh lẹ dường như không đúng với tuổi tác thất tuần, cùng cái xiết tay với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói lên nhiều điều. Còn nhớ tháng trước ở New York khi đó đều tất tả việc ở Liên Hiệp Quốc, nhưng ông J. Kerry vẫn thu xếp được một cuộc gặp song phương chất lượng với Thủ tướng Việt Nam...

Bữa nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sắc diện tươi tắn, hướng về ngài đại diện cho Tổng thống Obama rằng, tôi rất lấy làm tiếc việc Tổng thống Obama không thể tham dự Hội nghị quan trọng Cấp cao Hoa Kỳ- ASEAN lần thứ nhất này. Nhưng sự có mặt của ngài tại Hội nghị đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ vai trò của Hoa Kỳ trong việc định hình, củng cố tăng cường cấu trúc khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định hợp tác phát triển tại châu Á Thái Bình Dương. Qua ngài, tôi xin gửi tới Tổng thống Obama sự cảm thông của Việt Nam với khó khăn hiện tại của Hoa Kỳ. Tôi hy vọng chính quyền và quốc hội Hoa Kỳ sẽ sớm tìm ra biện pháp để Chính phủ khôi phục hoạt động bình thường.

Khi cánh cửa phòng hội đàm cuộc gặp song phương Việt - Mỹ khép lại sau lưng, tôi nghĩ đến điều thú vị này. Với riêng ngài J. Kerry, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có 3 thời điểm gặp gỡ làm việc. Thời điểm J. Kerry là Thượng Nghị sĩ (TNS) cùng Chủ tịch UB Đối ngoại Thượng viện. Rồi khi J.Kerry là Ngoại trưởng. Và bây giờ, ngài Ngoại trưởng J. Kerry đương đóng vai người đại diện cho Tổng thống Hoa Kỳ!

Tháng trước thôi, ngồi tại New York, cũng vấn đề chủ quyền Biển Đông cùng những vấn đề Hoa Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam để sớm trở thành thành viên của TPP được bàn soạn giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Thủ tướng Việt Nam. Nhưng sáng nay vấn đề đó đã được nâng lên một mức độ, một tầm cấp cùng tiến độ mới với đại diện của Tổng thống Hoa Kỳ Obama!

Sự ra đi của Đại tướng

Hội nhất niên song hỷ cứ hai năm một lần Cấp cao ASEAN. Lần 23 này kết thúc muộn. Ra khỏi TTBC, Thủ đô Brunei đã sáng đèn.

Chuyên cơ trực chỉ hướng bay về Nội Bài.

Như nhiều lần khác, nếu có điều kiện Thủ tướng thường chia sẻ thông tin với cánh báo chí tháp tùng sau những tất tả căng thẳng song phương lẫn đa phương.

Không phải là cuộc gặp song phương có dịp ngồi lâu nhưng hầu hết các nguyên thủ, trong các buổi họp chung khi gặp Thủ tướng đều chủ động tiến tới bắt tay chia buồn việc Tướng Giáp mới từ trần.

Lần này Thủ tướng trầm tĩnh thông báo rằng, ngay từ khi mới gặp, Quốc vương nước chủ nhà đã trân trọng ngỏ lời chia buồn việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa từ trần. Không phải là cuộc gặp song phương có dịp ngồi lâu nhưng hầu hết các nguyên thủ, trong các buổi họp chung khi gặp Thủ tướng đều chủ động tiến tới bắt tay chia buồn việc Tướng Giáp mới từ trần. Từ nguyên thủ Lào đến Myanmar, Indonesia, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore... Còn Hoa Kỳ? Thủ tướng chưa nói hết một người khác chen ngang... Thủ tướng chất giọng điềm tĩnh, cho biết thế này.

Cuộc gặp song phương với đại diện Tổng thống Obama, ngài J. Kerry kéo dài hơn dự kiến mấy chục phút... Khi bắt tay tạm biệt, ngài J. Kerry có nói nguyên văn thế này xin chia buồn cùng ngài việc danh tướng Việt Nam đã ra đi...

Ngài Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ kiêm đại diện cho Tổng thống Obama đã không dùng danh từ Võ Nguyên Giáp mà chỉ nói là danh tướng Việt Nam!

Thủ tướng chia sẻ thêm điều tâm đắc về tướng Giáp. Có người nói, đã có sẵn một đội quân thiện nghệ chiến trường cho Napoleon điều binh. Nhưng Tướng Giáp nhà mình phải gây dựng một đội quân từ những người lính nông dân chân đất thiếu thốn đủ bề. Đội quân đó dưới sự dẫn dắt của Đại tướng từng liên tục bách chiến bách thắng. Di sản cũng như thông điệp sinh động nhất của Tướng Giáp để lại cho chúng ta chính là sự kiên nhẫn quyết tâm và sáng tạo. Đã sẵn có một cơ chế thị trường cho chúng ta hòa nhập quốc tế bằng cách vận hành hợp với quy luật cuộc sống đâu? Đó là một thách thức sống còn khắc nghiệt hệt như thời điểm kéo pháo vào kéo pháo ra ở trận Điện Biên, như bây giờ nhiều người vẫn ca ngợi thời khắc khó khăn nhất ấy với Đại tướng của chúng ta!

Qua Thủ tướng, tôi cũng được biết thêm từ khi còn là Phó Thủ tướng, cứ dịp sinh nhật hay Tết Nguyên đán là ông đều đến 30 Hoàng Diệu thăm chúc mừng Đại tướng. Từ khi Đại tướng 95 tuổi thì ba lần. Sao lại 3? Ông cười, mình là người lính của Đại tướng mà. Dịp 22/12 nào mình cũng tới. Cả khi Đại tướng yếu mệt phải nằm viện...

Tò mò hỏi thêm, thời gian kéo dài cuộc gặp song phương vừa rồi với J. Kerry, Thủ tướng cho biết, đeo bám thôi thúc Thủ tướng lâu nay vẫn là TPP. Điều nhỡn tiền nhất là cú hích TPP khi Việt Nam được rộng chỗ phát huy thế mạnh trên sân chơi 12 quốc gia, cơ may đầu tiên cho hàng triệu lao động Việt Nam có công ăn việc làm nên phải tranh thủ trao đổi thêm với ông ấy bữa nay trên tư cách là đại diện Tổng thống Hoa Kỳ.

Thủ tướng nói thêm: Còn chuyện nhiều với nhau với tư cách hồi còn là lính trên hai trận tuyến miền Tây Nam Bộ. Mình nói có dịp J. Kerry thăm chính thức Việt Nam, mình sẽ thân chinh dẫn ông ấy thăm lại chiến trường xưa... Ông ấy đã vui vẻ nhận lời!

Đêm 10/10

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG