Ông Nguyễn Đức Cần được xem là “vua” nuôi cá ở làng bè Tân Mai. Gia đình ông Cần có hàng chục chiếc bè chiếm diện tích cả ngàn mét vuông mặt nước. Mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 400 tấn cá. Cũng như nhiều hộ nuôi cá bè của làng Tân Mai, trước chủ trương sắp xếp lại làng cá bè cho phù hợp với cảnh quan môi trường, ông Cần băn khoăn, khi vào nơi “định cư” mới thì người có hàng chục bè như ông cũng được đánh đồng như người có một bè với định mức của thành phố. Theo quy định mỗi hộ được bốc thăm nhận vị trí cho một bè quy cách trong khoảng 50m2. Ông Cần chưa biết tính sao với dàn bè hàng tỷ đồng này.
Ông Cần cho rằng, việc quy hoạch sắp xếp lại làng bè cho phù hợp với cảnh quan môi trường là cần thiết, nhưng việc sắp xếp lại không thể thực hiện một cách áp đặt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Mặc dù thành phố tích cực vận động đối thoại, ghi nhận những băn khoăn của cư dân làng bè về sắp xếp diện tích ở nơi mới, nhưng đến nay cũng chỉ có 140 hộ thực hiện việc kéo bè về nơi quy định.
Nghề nuôi cá bè ở Biên Hòa từng là mô hình sản xuất kinh tế có hiệu quả được nhân rộng. Đến nay làng cá bè Tân Mai có 247 hộ nuôi cá. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Nguyên nhân của tình trạng này, theo người dân có thể do nguồn nước sông bị ô nhiễm do các nhà máy trong nội ô TP Biên Hòa xả thải chưa qua xử lý. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Dung, chuyên viên phòng Kinh tế TP Biên Hòa, người nhiều năm gắn bó với dự án di dời làng bè cho rằng, mỗi năm làng cá bè cung cấp khoảng 2.800 tấn cá, tuy nhiên việc nuôi tự phát, không đúng quy cách, thức ăn nuôi cá không phù hợp đã làm ảnh hưởng đến môi trường nước. “Việc di dời là nhằm cải tạo cảnh quan môi trường cho thành phố”- bà Dung nói.