“Sống mòn” cùng cơ sở ô nhiễm giữa Thủ đô

Nhà in Khoa học Công nghệ nằm giữa khu dân cư.
Nhà in Khoa học Công nghệ nằm giữa khu dân cư.
TP - Thành phố Hà Nội đã tổ chức quan trắc, phân tích đánh giá ô nhiễm môi trường để đưa ra danh sách 117 cơ sở sản xuất ô nhiễm tại các quận nội thành buộc phải di dời. Tuy nhiên, việc di chuyển vẫn là bài toán chưa có lời giải rõ ràng.

“Giữa thủ đô, ai nghĩ phải sống khổ thế này”

Trong thời gian chờ đợi các nhà máy di dời, hàng nghìn hộ dân sống ngay trong các quận trung tâm như: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa… vẫn đang hàng ngày sống chung cùng ô nhiễm. Nằm sâu trong ngõ 189 Hoàng Hoa Thám (phường Liễu Giai, quận Ba Đình), Nhà in Khoa học Công nghệ lọt giữa các hộ dân cư.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhà máy có diện tích khoảng 500m2, nằm giữa một bên là khu tập thể, một bên là các hộ dân. Thời điểm ghi nhận, các máy in đều đang hoạt động, chỉ cần đứng ngoài cửa cũng có thể thấy rõ tiếng ồn và mùi mực phát ra từ nhà máy.

Bên trong, nhà máy chia thành 2 gian, một gian văn phòng và một gian máy in hoạt động. Chị Lan, người dân sống tại khu tập thể áp nhà in cho biết, chuyển về đây gần chục năm là cả chục năm sống gia đình chị sống chung với tiếng ồn và mùi mực in. “Giữa trung tâm hành chính của Thủ đô, ai nghĩ phải sống khổ sở như thế này?!”, chị Lan bức xúc.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Hoàng Thị Kim Xuyến, tổ trưởng Tổ dân phố 5E phường Liễu Giai cho biết thêm, nhà in đã chuyển về đây từ những năm 90, cũng là từng ấy năm người dân sống trong cảnh ô nhiễm mùi mực. Theo bà Xuyến, mùi mực ngai ngái như mùi than tổ ong khiến người dân hít phải ai cũng cảm giác nôn nao.

Mỗi lần mùi mực in xộc tới, tất cả các nhà đều phải đóng cửa im ỉm. Người dân đã làm đơn khiếu nại yêu cầu di dời cơ sở in nhiều lần. Đã có lần nhà máy in tạm dừng hoạt động để chuyển đi nhưng không hiểu sao lại vẫn tiếp tục hoạt động đến nay. “Chưa kể cách xưởng in vài chục mét là nhà máy sản xuất phanh tàu hỏa, tiếng dập phanh nghe đinh tai nhức óc”, bà Xuyến than thở.

Nằm giữa khu vực đông dân cư bậc nhất địa bàn quận Hai Bà Trưng, từ nhiều năm nay, Cty Dệt kim Đông Xuân (địa chỉ 524 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy) thường xuyên xả những cột khói trắng, khói đen đang đe dọa sức khỏe của hàng vạn người dân và các trường học xung quanh. Theo bà Võ Thị Huệ - tổ trưởng Tổ dân phố 15A phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), tình trạng ô nhiễm gây ra bởi Công ty Dệt kim Đông Xuân ngày càng nghiêm trọng.

Bụi than, bụi bồ hóng, sợi vải và khói từ hoạt động sản xuất của nhà máy khiến nhiều người dân có dấu hiệu mắc bệnh về xoang, ung thư. Tại nhiều lần họp tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh tới chính quyền sở tại, cơ quan chức năng nhưng hoạt động sản xuất của nhà máy thuộc công ty này vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn mở rộng quy mô hơn trước. Cụ thể, trước đây nhà máy chỉ có 3 ống khói thì nay đã thành 5.

Ngay cả những khu chung cư cao cấp cũng không thoát khỏi cảnh “chung chạ” cùng xưởng sản xuất ô nhiễm. Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Ban Quản trị (BQT) tòa nhà GP Invest (địa chỉ 170 đường La Thành, Đống Đa) cho biết, BQT toà nhà mới gửi đơn kiến nghị tới Cty TNHH B.Braun vì tiếng ồn liên tục phát ra trong quá trình sản xuất của Cty.

Được biết, xưởng sản xuất của Cty này nằm sát ngay tòa nhà, tiếng ồn phát ra liên tục gần như 24/24 do xưởng làm việc liên tục 3 ca. Nhiều hộ dân phải đóng cửa sổ các phòng, cửa sổ vệ sinh hướng ra phía Cty này. Ngoài ra, một số hộ dân có biểu hiện nhức đầu, thường xuyên do tiếng ồn phát ra từ xưởng.

“Cư dân ở đây bức xúc vì xưởng sản xuất bỗng dưng mọc lên ngay giữa Thủ đô. Rất mong thành phố sớm có biện pháp di dời, đảm bảo cuộc sống cho hàng trăm cư dân”, đại diện tòa nhà cho hay.

Có đất di dời nhưng vẫn chây ỳ?!

Trước đó, thành phố Hà Nội đưa ra lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ ở 4 quận nội thành cũ, gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; Giai đoạn 2 sẽ di dời các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch; Giai đoạn 3 sẽ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Giai đoạn 4 di dời các cơ sở còn lại. Hiện đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 346.000m2; trong đó diện tích xây dựng nhà ở là 141.862m2; diện tích đất trường học là 39.136m2; diện tích đất hạ tầng kỹ thuật là 150.258m2;  diện tích đất thương mại, dịch vụ là 11.238m2. Đến nay, đã bước đầu xây dựng cơ chế mang tính nguyên tắc chung áp dụng đối với từng loại đối tượng để hỗ trợ, khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

Tuy vậy, việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành còn chậm; công tác quản lý quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được thực hiện do các bộ, ngành chưa thực hiện theo quyết định.

Trong số 117 cơ sở sản xuất ô nhiễm cần di dời, có nhiều cơ sở sản xuất đã có nhà máy sản xuất ở khu vực ngoại thành hoặc một số tỉnh lân cận vẫn kiên quyết “bám trụ” nội đô.

Năm 2011, Cty Dệt kim Đông Xuân khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất rộng gần 20ha tại Hưng Yên nhưng vẫn duy trì một số bộ phận nhỏ tại 524 Minh Khai khiến cử tri nhiều lần kiến nghị khắc phục hoặc dừng hoạt động do ô nhiễm khói, bụi.

Tại số 170 Đê La Thành, Cty CP Dược phẩm Hà Nội và Cty TNHH B.Braun đều xây dựng cơ sở sản xuất khang trang lần lượt tại KCN Quang Minh (Mê Linh) và KCN Thanh Oai, nhưng cả hai doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất gây ra tình trạng ách tắc, mất an toàn giao thông và ô nhiễm tiếng ồn giữa khu dân cư đông đúc.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, hiện nay, vấn đề tồn tại là sau khi các đơn vị di dời xong thì trụ sở cũ sử dụng thế nào chưa rõ? Đất cũ trong định hướng quy hoạch là xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh để nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân nhưng cơ chế chính sách bàn giao như thế nào cho Hà Nội cũng chưa có. Tinh thần, chủ trương là cần thiết nhưng kèm theo phải là giải pháp với chế tài nhất định.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho biết thêm, tình trạng ô nhiễm tại Cty Dệt kim Đông Xuân quận đã nắm được. Đồng thời, quận đã nhiều lần báo cáo tình trạng ô nhiễm lên thành phố và đề nghị di dời. “Cần có những chế tài mạnh hơn để di dời những nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô”, ông Lâm Anh Tuấn nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.