Chiều đến, căn nhà ván cũ kỹ nằm giữa cánh đồng cỏ hoang vu của vợ chồng bà Phún Chấn Kíu (SN 1970, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), càng thêm hiu quạnh. Bật công tắc đèn lên cho căn nhà đỡ tối tăm, bà Kíu cho biết, tài sản đáng giá nhất là chiếc xe máy cũ - cần câu cơm của gia đình. Tuy nhiên, nhiều tháng nay chiếc xe này cũng bỏ xó một góc vì người chồng bị tai biến.
Chị Mai tá túc trong căn nhà đã bị đập nham nhở |
Hỏi chuyện vì sao gia đình chưa dời khỏi Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, bà Kíu bật khóc: “Vợ chồng tôi cũng muốn đi lắm nhưng chưa được giải quyết hỗ trợ đền bù. Ở xóm này người ta được cấp đất tái định cư và nhận tiền hỗ trợ nên đi hết rồi. Còn mỗi vợ chồng tôi không thấy nói gì”.
Gia đình bà Kíu có hơn 400m2 đất từ thời ông bà để lại. Nhiều năm về trước, gia đình bà đã lên phường Tự An làm hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Cơ quan chức năng về xác minh, đo đạc nhưng sau đó không giải quyết GCNQSDĐ cho gia đình bà Kíu với lý do đất không có đường vào.
“Khi Nhà nước lập hồ sơ để giải phóng mặt bằng làm Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, tôi được giải thích là gia đình sẽ được hỗ trợ đền bù tái định cư. Tuy nhiên, tôi chờ từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhìn hàng xóm lần lượt nhận tiền, nhận đất tái định cư rồi chuyển đi, vợ chồng tôi sốt ruột lắm. Thấy ai vào cũng tưởng cán bộ đến thông báo, giải quyết cho gia đình tôi nhưng thực tế không phải nên lại mừng hụt”, bà Kíu thổ lộ.
Cách nhà bà Kíu khoảng 500m còn có vợ chồng chị Lý Huỳnh Mai đang bám trụ tại căn nhà đã bị đập bỏ nham nhở. Chị Mai cho hay, căn nhà này là của bố mẹ chồng. Sau khi nhận tiền và đất tái định cư của Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, bố mẹ chồng đã chuyển đi. Căn nhà bị đập gần hết, vợ chồng chị xin giữ lại căn phòng ngủ làm nơi ở tạm. Hằng ngày người chồng đi làm thợ xây, còn chị Mai lo đưa đón 2 con nhỏ đi học. Tận dụng khu đất để trống, chị Mai trồng các loại rau để kiếm thêm thu nhập.
Hỏi chuyện hỗ trợ đền bù, chị Mai nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi không có đất đai, trước đến giờ đều ở chung với ông bà. Khi Nhà nước triển khai Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, tôi được nghe trường hợp nào đã tách hộ khẩu riêng từ năm 2014 trở lại, sẽ được cấp đất tái định cư. Vợ chồng tôi tách khẩu từ 2012 nên tôi làm đơn xin được hỗ trợ cấp đất ở nhưng không được giải quyết. Không có đất, không có tiền, vợ chồng tôi đành tá túc ở đây, chưa biết đi đâu”.
Theo tài liệu, Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam có diện tích hơn 136ha, tổng kinh phí thực hiện trên 1.468 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án chia làm 2 giai đoạn do UBND thành phố Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2020, giai đoạn 2 từ năm 2020 - 2024. Dự án khởi công vào năm 2017 nhưng bị chậm tiến độ nên UBND tỉnh Đắk Lắk cho điều chỉnh thời gian triển khai giai đoạn 1, từ năm 2017 - 2023.
Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Tiền Phong, Dự án hồ thủy lợi Ea Tam vẫn đang bị “đắp chiếu”. Xung quanh dự án, cỏ mọc um tùm, những khối đá, ống cống bỏ lăn lóc bên đường.
Ông Đỗ Hải Đông- Giám đốc phụ trách Dự án hồ thủy lợi Ea Tam (thuộc Ban QLDA Đầu tư xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, đến nay khối lượng thi công của giai đoạn 1 đạt khoảng 60%. Dự án đang chậm tiến độ do thiếu khoảng 100.000m3 đất đắp. Vấn đề này đã được Ban QLDA Đầu tư xây dựng thành phố kiến nghị và chờ UBND tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ. Thời gian triển khai dự án ở giai đoạn 1 đã sắp hết, nguy cơ không kịp tiến độ, phải xin gia hạn tiếp.
Ở nơi heo hút, trũng thấp chị Mai tâm sự rất lo sợ vấn đề về an ninh trật tự. Ngoài ra, mỗi khi mưa đến, vợ chồng chị lại thấp thỏm, bởi nước từ khắp nơi dồn về gây ngập lụt.