Sông lấn làng, trăm hộ dân sống thấp thỏm bên miệng ‘hà bá’

Sông lấn làng, trăm hộ dân sống thấp thỏm bên miệng ‘hà bá’
TPO - Nhiều người dân ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sống bên bờ sông Ngàn Sâu đang nơm nớp lo sợ khi tình trạng sạt lở đang xảy ra nghiêm trọng. Đã có nhiều diện tích đất của người dân bị cuốn trôi, nhà cửa hiện đang bị đe dọa.

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng sạt lở ở khu vực sông Ngàn Sâu tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Đã có nhiều diện tích đất canh tác, cây cối bị nước sông cuốn trôi. Ghi nhận tại thôn 1,3,4 của xã Sơn Long, huyện Hương Sơn tình trạng này diễn ra nghiêm trọng. Tại bờ sông lượng đất cát sụp, lở xuống sông, nhiều cây cối không còn chỗ bám trụ rễ trồi lên mặt đất, ngoài ra bờ kè đã hư hỏng, xuống cấp.

Riêng nhà anh Đoàn Thanh Long (trú thôn 1), mực nước sông chỉ cách bờ tường nhà khoảng chưa đầy 2m. Mặc dù gia đình đã làm kè bằng đá và thép nhằm giữ đất và nhà nhưng biện pháp này chỉ là cách đối phó trong một thời gian ngắn.

Sông lấn làng, trăm hộ dân sống thấp thỏm bên miệng ‘hà bá’ ảnh 1 Phần dất sạt lở và nước sông ngày càng lấn sâu vào làng.

“Qua mỗi mùa mưa thì khu vườn rộng lớn của gia đình đã bị lòng sông ăn dần. Hiện tại nước sông đã vào sát gần nhà, mỗi lần mưa lũ đến không thể ở đây vì nước dâng cao, lo sợ sập nhà”, anh Long chia sẻ

Anh Long cho hay, ngôi nhà gia đình đang sinh sống được xây dựng khoảng 10 năm trước. Ở thời điểm đó, vị trí từ nhà ra sông cách hơn 40m, nhưng nay chỉ cách vài bước chân. Trước mắt địa phương chưa có phương án, gia đình không có tiền để chuyển đi nơi khác nên đành phải ở lại cầm cự sống “treo” bên miệng “hà bá”.

Còn bà Cầu Thị Hòa (50 tuổi, trú tại thôn 3 xã Sơn Long) chia sẻ, nhiều năm nay tình trạng sạt lở kéo dài, đỉnh điểm là hai năm trở lại đây trở nên nghiêm trọng hơn. Chỉ tay về ra phía sông Ngàn Sâu bà Hòa cho hay, trước đây vị trí gần giữa sông là mảnh đất sản xuất của gia đình và một số hộ khác trong thôn nhưng nay đều bị sông cuốn trôi. Mất đất sản xuất nhưng bà Hòa vẫn không lo lắng bằng việc ngày đêm dòng sông này vẫn đang lấn vào làng, nhiều bờ kè nay đã bị phá hỏng, không còn trụ vững.

Sông lấn làng, trăm hộ dân sống thấp thỏm bên miệng ‘hà bá’ ảnh 2 Người dân chỉ ra khu vực cồn đất nổi ở sông từng là khu đất sản xuất của họ.

“Bờ kè này được nhà nước xây dựng vào năm 2003 để bảo vệ làng trước tình trạng sạt lở, tuy nhiên nay nhiều đoạn kè không còn trụ vững. Nước sông đang lấn sâu vào khu vực dân cư, đường và bờ kè ở sông cũng hư hỏng nặng, có nhiều vị trí bị sạt lở đến hở hàm ếch nên dân vô cùng lo lắng. Giờ chỉ mong sao có biện pháp xây dựng lại tuyến bờ kè để bảo vệ dân làng chứ nếu để tình trạng này kéo dài nhiều gia đình đang lo mất nhà”, bà Hòa cho hay.

Liên quan đến tình trạng này, ông Thái Vỹ Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Hương Sơn cho hay, nguyên nhân khiến bờ sông bị sạt lở là do địa chất yếu và đất dạng cát pha, dễ tan nhanh trong nước nên cứ mỗi mùa mưa bão đi qua thì sông lại lấn thêm vào bên trong đất liền.

Theo khảo sát, trên địa bàn xã có khoảng hơn 100 hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông Ngàn Sâu. Tất cả đều có đất đai, nhà cửa nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở.

Sông lấn làng, trăm hộ dân sống thấp thỏm bên miệng ‘hà bá’ ảnh 3 Tình trạng sạt lở đất ở bờ sông đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân

“Mỗi mùa mưa bão đi qua sông lại lấn thêm vào đất liền, người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Trước thực trạng này, địa phương cũng nhiều lần đề xuất lên cấp trên để xây dựng lại bờ kè nhưng chưa có nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện”, ông Tuyến cho hay.

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn có khoảng 130 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của trên 1.000 hộ dân. Tuy nhiên, kinh phí để chống sạt lở có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, vượt qua khả năng của địa phương.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.