Đây là đoạn đường sắt được xem là mối nguy của hành trình các chuyến tàu Bắc - Nam. Theo quan sát của chúng tôi đoạn đường sắt này nằm sát sông Lam và đang bị sóng xô, ngoạm vào bờ rất sâu.
Dòng sông Lam khi chảy đến đoạn đường sắt này tạo thành hình vòng cung có độ dài hơn 1km. Do tốc độ dòng chảy rất lớn, nhất là vào các đợt mưa lũ nên nước đã xói thẳng, khoét thành các hàm ếch kéo những mảng đất lớn đổ ập xuống sông, ăn mòn dần vào chân đường sắt. Đặc biệt, đoạn từ mố nam cầu Yên Xuân kéo dài khoảng 350m ngược lên dọc bên mép sông, sạt lở rất mạnh, không những thế tại khu vực này do dòng chảy mạnh đã làm xói sâu khiến nó trở thành đoạn sông nguy hiểm khi có độ sâu từ 17-20m.
Dòng chảy lớn đến nỗi những rọ đá được kè cách đây 5 năm bị sóng đánh vỡ, có đoạn đá đã trôi hết. Những hàng cọc bê tông giờ chỉ còn lại trơ trọi giữa biển nước sông Lam - đó là một minh chứng cho sự hung bạo của khúc sông này, bởi tính từ các cọc bê tông đến chỗ sạt lở hiện tại cách nhau khoảng từ 15-17m. Theo quan sát của chúng tôi, khoảng cách từ mép sạt lở đến chân đường sắt khoảng 4-6m. Mức độ sạt lở hiện nay đang rất nghiêm trọng. Hiện tại những mảng đất hàng ngày đang bị dòng sông Lam “gặm nhấm”, nếu không có biện pháp chống sát lở thì mùa lũ năm nay đoạn đường sắt sẽ bị ảnh hưởng.
Theo người dân ở đây cho biết, khoảng những năm 1970, khu đất này là đất liền, chỉ có một con lạch nhỏ, nước cạn, còn dòng chính của sông Lam chảy ở phía bắc của bãi đất. Nhưng sau đó người ta cho khơi thông dòng chảy và do đất lở, dần dần nơi đây trở thành dòng chính của sông Lam. Năm 1979, sạt lở đã biến xóm này thành một ốc đảo, buộc người dân phải bỏ xóm di dời đi chỗ khác. Sau đó, từ một bãi đất rộng, cách đường sắt bắc nam khoảng hơn trăm mét, nay đã bị xói mòn khiến sông đã sát đường.
Thời điểm chúng tôi tìm hiểu còn có một đơn vị của ngành đường sắt đang khảo sát mức độ sạt lở của đoạn đường này. Theo đơn vị này cho biết, sau khi đo đạc thì không những việc đoạn đường bị dòng sông gặm nhấm mà ngay cả lòng sông cũng bị biến dạng do khúc cua của đoạn sông này gây nên. Độ sâu tại đây được xem là “kinh khủng” với mức sâu 17-20m, kéo dài 4m. Bởi thế việc thiết kế để chống xói lở cũng là điều mà các ngành chức năng cần phải tính toán kỹ.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, cũng khá nóng ruột với đoạn đường sắt Bắc - Nam qua khu vực này, đã cho biết: “Đoạn sông bị sạt lở nói trên đã được chú ý nhiều năm qua, riêng bờ kè được ngành đường sắt xây dựng cách đây 5 năm đã bị xói lở và phá hỏng, chỉ còn trơ cọc đang đe dọa sự an toàn của đoạn đường sắt này.
Sau khi kiểm tra, trước mắt Sở và tỉnh chuẩn bị trang thiết bị, vật dụng để gia cố bảo vệ, còn lâu dài cần nguồn vốn khoảng 70 tỷ đồng của Bộ GTVT để xây dựng dự án bờ kè chắn sóng, bảo vệ đoạn đường sắt này trước mùa mưa lũ. Nếu không kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành đường sắt và các hộ dân nơi đây”.
Một số hình ảnh sông Lam đang lăm le "nuốt chửng" đoạn đường sắt Bắc - Nam:
Bờ sông Lam sạt lở, ngoạm rất nhiều mét đất...
Sạt lở ăn sâu vào đường sắt Bắc - Nam.
Mỗi chuyến tàu đi qua là nỗi lo thấp thỏm của các ngành chức năng khi mà mua mưa đang tới gần.
Những cọc bê tông trước đây nằm sát bờ thì nay nó đã bị đẩy ra xa....
Ông Nguyễn Hồng Ký - GĐ Sở GTVT đi khảo sát thực tế và nhận thấy vệt sạt lở bờ sông Lam gần ăn vào đường sắt.
Các đoàn tàu đang bị đe dọa
Những tàu hút cát cũng cũng là một trong số nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc dòng sông thay đổi...
Theo Nguyễn Duy