Nguyễn Đức Lộc là một người trẻ say mê văn hóa truyền thống, sáng lập Ỷ Vân Hiên từ tháng 5 vừa qua với mong muốn nghiên cứu phục dựng trang phục truyền thống, nghi lễ cung đình và dân gian. Nhóm của Lộc cũng toàn những người trẻ chung chí hướng phục dựng thành công một số trang phục áo dài cổ của người Việt như áo ngũ thân, áo giao lĩnh. “Chúng tôi hy vọng có thể dùng tâm lực để góp phần đưa sản phẩm văn hoá truyền thống Việt Nam trở về đúng vị trí, phổ biến trong nước và đi xa hơn ở quốc tế”, Nguyễn Đức Lộc nói.
Slogan “Ỷ Vân Hiên-Nơi tương lai được viết bởi quá khứ” phần nào thể hiện khát vọng làm ra những sản phẩm văn hoá thấm đẫm hồn Việt. Họ biến ước mơ thành hiện thực, thể hiện trong mỗi sản phẩm như hài, quạt, gối xếp, áo dài truyền thống. Không đơn độc trong hành trình tìm về văn hóa Việt, họ nhận được sự giúp sức của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cổ trong vai trò cố vấn như nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức, học giả Trần Quang Đức (tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ), nhà nghiên cứu phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc. Các sản phẩm văn hóa này có sự góp sức của đôi bàn tay các nghệ nhân nhiều làng nghề truyền thống, trong đó phải kể đến nghệ nhân Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội vua Minh Mạng sinh sống ở Huế. Đặc biệt chất liệu tạo nên các sản phẩm ấy đều xuất phát từ những làng nghề truyền thống nức tiếng khắp ba miền như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A.
Không dừng lại ở các sản phẩm ứng dụng trong đời sống, những người thực hiện mong muốn phục dựng các nghi lễ, khơi dậy nét tinh hoa và lịch duyệt của cha ông. Mong muốn tái hiện kết quả nghiên cứu qua nghệ thuật của sân khấu, điện ảnh và trình diễn của nhóm trẻ này cũng là điều đáng ghi nhận, bởi lâu nay lĩnh vực này thiếu vắng những người sáng tạo và phục dựng trang phục, nghi lễ cổ. Người sáng lập Ỷ Vân Hiên cho rằng hiểu được quá khứ mới hiểu được tương lai, xa hơn sẽ tìm thấy hướng đi ở tương lai. “Nguyễn Đức Lộc đủ nhiệt huyết và sự tỉ mẩn của người làm nghề. Với tinh thần đương đại cởi mở cùng niềm đau đáu với nét đẹp vàng son của thời quá vãng, Lộc đang chứng minh có đủ tâm và tầm”, học giả Trần Quang Đức nói.