'Mặt nạ thời gian' giữ hồn văn hóa

Bằng việc vẽ “mặt nạ thời gian”, nghệ nhân Bùi Quý Phong mong muốn góp phần gìn giữ và quảng bá văn hóa truyền thống củaViệt Nam. Ảnh: Thanh Trần.
Bằng việc vẽ “mặt nạ thời gian”, nghệ nhân Bùi Quý Phong mong muốn góp phần gìn giữ và quảng bá văn hóa truyền thống củaViệt Nam. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Giữa lòng phố cổ Hội An (Quảng Nam), có một không gian trên đường Bạch Ðằng treo đầy mặt nạ lôi cuốn du khách mỗi lần ngang qua. Người làm nên những chiếc mặt nạ đặc biệt ấy là nghệ nhân Bùi Quý Phong (64 tuổi) với tâm nguyện níu giữ, quảng bá những giá trị văn hóa dân gian của người Việt.

“Bái sư” học vẽ

Sáng sớm, căn nhà ven sông vang lên câu hát dân ca mượt mà đón đoàn du khách bước vào không gian đầy sắc màu mặt nạ treo kín tường. Bên chiếc bàn tre, cụ ông ngoại lục tuần hơn nửa đời người gắn bó với câu lạc bộ tuồng Hội An, sân khấu truyền thống, rồi làm mặt nạ, đầu lân… lấy chiếc mặt nạ có hai màu chủ đạo đen - đỏ đang vẽ dở ra tiếp tục từng đường cọ tỉ mẩn. Những du khách nước ngoài thấy vậy vây quanh ông. “Tôi có thể vẽ không?”, một cô gái người Pháp ngỏ lời. Ông Phong soạn khay màu, nước rửa cọ và một mặt nạ trắng lên bàn. “Cô có thể bắt đầu, để tránh sai sót tốt nhất nên “copy” những mẫu có sẵn, còn không, phải theo quy định vẽ dân gian”, ông Phong thẳng thắn.

Quy định mà ông Phong nói là phải dùng màu nguyên bản, kết hợp màu âm dương chứ không vẽ màu lộn xộn… Chăm chú theo sự hướng dẫn của “thầy”, sau gần một giờ đồng hồ, cô gái hoàn thành chiếc mặt nạ nền vàng với khuôn miệng cười tô đỏ cùng cặp mắt được vẽ khá to, trên vầng trán thêm vài chấm trắng làm điểm nhấn. Cô chia sẻ rằng rất bất ngờ trước lối vẽ dân gian của Việt Nam, nguyên tắc phối hợp màu chặt chẽ khiến cô sợ mình sẽ vẽ sai, nhưng khi bắt tay vào thì thấy thật đơn giản và thích thú.

'Mặt nạ thời gian' giữ hồn văn hóa ảnh 1

Du khách nước ngoài luôn bị không gian mặt nạ tuồng giữa phố cổ cuốn hút. Ảnh: Thanh Trần.

Du khách nước ngoài vừa rời đi, hơn chục em học sinh từ Ðà Nẵng kéo đến, “thầy” Phong toát mồ hôi khi phải chạy quanh chỉ từng cách dùng màu, đường vẽ. “Hầu như ngày nào cũng có người tới đòi học vẽ mặt nạ, dù trải nghiệm chỉ trong một vài tiếng đồng hồ nhưng họ rất thích thú. Bởi nhìn qua cứ tưởng muốn vẽ, muốn tô thế nào cũng được, thực tế chỉ được phóng tác trong biên giới nhất định, phải tuân thủ những quy ước rất xưa của mặt nạ dân gian…Những điều ấy không phải ai cũng biết”, ông Phong nói.

Hỏi về cái tên “mặt nạ thời gian”, ông Phong chỉ lên một chiếc treo ở giữa tường có khuôn miệng tươi tắn, trên trán, cánh mũi, thái dương có những chấm tròn, rồi giải thích: Ðó là khuôn mặt biểu hiện cho một người lạc quan, đầy nhiệt huyết, đầy năng lượng. Ông nói tiếp: “Mỗi người có thể hình dung chính khuôn mặt mình để vẽ lên mặt nạ, hay tái hiện lại tâm trạng mình đã trải qua, cũng như một khuôn mặt, thần thái mà mình muốn hướng đến. Dù bao lâu đi nữa, thì mặt nạ vẫn lưu giữ nguyên những đường nét mà mình đã vẽ, nhìn mặt nạ là nhớ lại những gì mình đã gửi gắm vào đó…”.

Bảo tồn nghệ thuật tuồng

Hầu hết mặt nạ được ông trưng bày và dạy vẽ cho du khách đều có màu sắc tươi tắn, trông rất “hiền”. Ông bảo: “Thực ra mặt nạ ở đây tối giản từ mặt nạ tuồng. Những quy chuẩn của khuôn mặt “ác” trong tuồng như môi thâm, da sạm, mắt trợn… đã lược bỏ hết vì người xem có cảm giác “ma quỷ”, khó tiếp nhận. Tôi chỉ dùng những cách vẽ thể hiện khuôn mặt hạnh phúc, vui tươi, để người ta dễ dàng đón nhận hơn”. Khi đã tối giản quy chuẩn, thì những chiếc mặt nạ này không còn gọi là mặt nạ tuồng đúng nghĩa, nhưng với các nguyên tắc như không dùng màu pha, đuôi mắt hình mỏ chim, kết hợp màu âm - dương… thì mặt nạ này đã “nói được một nửa mặt nạ tuồng”.

Rồi ông trầm tư: “Sân khấu, kịch bản, mặt nạ tuồng dần bị lãng quên. Tôi biết một số nơi vẽ mặt nạ tuồng song các họa sĩ chưa nắm hết quy chuẩn trong tuồng nên dễ lây sang mặt nạ của các nước khác. Thành thử, tôi chấp nhận chuyện vẽ xấu, nhưng không bao giờ làm ngơ khi người ta phóng tác thả ga trên mặt nạ. Tôi muốn du khách trong ngoài nước phải tuân thủ quy ước khi vẽ mặt nạ dân gian - một phần của mặt nạ tuồng, để họ hiểu thêm về tuồng. Và hơn thế nữa, khi mặt nạ theo chân họ đi khắp nơi, nghĩa là đã góp phần quảng bá tuồng của nước ta”, ông nói.

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT TP Hội An nhìn nhận  đây là cách gìn giữ và phát huy văn hóa dân gian. Trong thực tế tuồng truyền thống đang mai một dần, thì việc làm mặt nạ của ông Phong đóng góp tích cực cho việc bảo tồn tuồng. Ngoài ra, còn đóng góp thêm một đặc sản văn hóa của địa phương phục vụ khách du lịch.
Nhiều năm “cắm chân” ở ngôi nhà mặt nạ, ông Phong chia sẻ rằng có một điều rất nghịch lý: Khách nước ngoài mê mẩn mặt nạ dân gian bởi họ hiếu kỳ trước văn hóa và cách vẽ của Việt Nam, còn người trong nước thì chuộng  mặt nạ hiện đại. Rất nhiều lần, ông phải cầm từng chiếc mặt nạ dân gian phân tích những thông điệp về sự viên mãn, hạnh phúc, sức khỏe… mà nó gửi gắm để người Việt chú ý hơn.
MỚI - NÓNG