'Sóng' F0 tấn công trường học: Kiểm tra, đánh giá thế nào cho công bằng?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Còn khoảng hơn 2 tháng nữa kết thúc năm học nhưng các trường học ở Hà Nội đang đối diện với những đợt “sóng” F0 ở cả học sinh lẫn giáo viên cùng với đó là nỗi lo và thi thế nào cho công bằng.

Trường THCS Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) từ khi cho học sinh 3 khối lớp đi học trực tiếp đã phải đầu tư thêm thiết bị cho 2 phòng học trực tuyến. Những học sinh F0, F1 nghỉ học ở nhà sẽ dồn sang lớp học trực tuyến này. Các em bắt buộc học theo thời khoá biểu lớp khác để theo kịp chương trình trong suốt tuần học trực tuyến.

'Sóng' F0 tấn công trường học: Kiểm tra, đánh giá thế nào cho công bằng? ảnh 1

Các trường lo chất lượng dạy học khi đối mặt với năm học quá nhiều xáo trộn. Ảnh: Quỳnh Anh

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết, huyện có khoảng 60.000 học sinh các cấp, trong đó có khoảng 15.000 học sinh là F0, F1. Riêng F0 có gần 7.000 em. Hiện chỉ còn 6 trường THCS có dịch ở mức độ 1-2 được dạy học trực tiếp; 14 trường phải dạy trực tuyến.

Về kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh giữa kỳ sắp tới, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường học chủ động, trong đó tiểu học sẽ phải kiểm tra trực tuyến (nếu học sinh chưa được đến trường). Riêng học sinh lớp 7-9 sẽ cố gắng tối đa để kiểm tra trực tiếp trên lớp nhằm đảm bảo chất lượng. “Có thể sẽ phải kiểm tra 2-3 đợt vì học sinh F0, F1 nghỉ và đi học rải rác tuy nhiên cố gắng thực hiện đánh giá trực tiếp cho tất cả học sinh. Việc này ngoài mục đích nắm bắt kiến thức học sinh đạt được còn nhằm đảm bảo công bằng cho các em”, ông Hậu nói.

Nên cho học sinh F1 tới trường

Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chỉ hơn 3 tuần học trực tiếp, số học sinh mắc COVID-19 chiếm khoảng 1/5. Mỗi học sinh F0 lại “cõng” thêm 4-5 em F1 buộc phải chuyển trạng thái học tập. Do đó, học sinh đến trường học trực tiếp thực chất mỗi ngày có khi chỉ đạt 40%. Chưa kể, trường có 116 giáo viên đến nay cũng có tới 40 trường hợp thành F0. Đến nay, phường có dịch mức độ 3, toàn trường lại dạy trực tuyến.

Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường nói, việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến khó có thể đảm bảo được chất lượng, điểm số không phản ánh đúng thực chất. “Tôi cho rằng, nên cho học sinh F1 test nhanh có kết quả âm tính thì đi học trực tiếp thay vì nghỉ nhiều ngày như hiện nay”, bà Hà kiến nghị.

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, sau 1 tháng dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 10, 11, 12 đến nay có khoảng 40% học sinh là F0, F1. Do đó, bài kiểm tra, đánh giá kiến thức giữa kỳ sắp tới cũng phải thực hiện theo 2 phương án trực tiếp và trực tuyến. “Đa số học sinh F0 đều có biểu hiện nhẹ, có thể học trực tuyến được nên vẫn đảm bảo để tham gia kiểm tra, đánh giá. Về mặt kỹ thuật, thầy trò cũng đã quen nên không gặp khó khăn, tuy nhiên do ở nhà quá lâu, một số học sinh có tâm lý thích ở nhà học trực tuyến, kiểm tra qua mạng hơn đến trường”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, sắp tới nên cho học sinh F1 đi học vì học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, biểu hiện với bệnh cũng khá nhẹ. “Hiện nay, một số phụ huynh chiều chuộng, báo con là F1 để nghỉ ở nhà học trực tuyến. Với năm học nhiều xáo trộn như năm nay sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Nhất là học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và nhiều bài thi đánh giá năng lực của các trường ĐH”, ông Trung nói.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.