Sống chung với nix

Sống chung với nix
TP - Ở nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin (HVS), Khánh Hòa, vỏ tàu được làm sạch bằng cách phun nix (xỉ đồng) với áp lực cao. Nix đã qua sử dụng mang nhiều hiểm họa cho con người và môi trường
Sống chung với nix ảnh 1
Một góc bãi nix đã qua sử dụng ở Mỹ Á

Trong sơn vỏ tàu có chì và một số hóa chất độc hại khác, chưa kể nhiều loại hóa chất từ hàng hóa được tàu chuyên chở bám vào vỏ tàu.

“Ăn nix, ngủ nix”!

Đó là câu ông Lê Lộc dùng khi nói về cuộc sống của gia đình ông và xóm giềng từ hơn 6 năm nay.

Cùng với nhà của nhiều người dân thôn Mỹ Giang (Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa), nhà ông Lộc chỉ cách bờ tường của HVS chưa đầy 20m. Những cây dừa trong vườn, những gờ trụ hiên nhà và cánh cửa nhà ông Lộc đều bị phủ bởi lớp bụi đen ngòm.

Nix đấy! Không chỉ ở ngoài nhà, bụi nix hiện diện trên mặt bàn tiếp khách, ở kệ chén đĩa, phủ mờ cả mặt kính khung ảnh treo trên tường…

Đối diện với nhà ông Lộc là nhà chị Lê Thị Gái. Ốm o, má hóp, tóc cứng, vừa kể chuyện vừa ho sù sụ, mới 38 tuổi mà chị Gái như người sắp ngũ tuần.

Chị cho biết mình bị ho và suy giảm sức khỏe từ mấy năm nay rồi thêm “bữa trước y tế huyện về khám, hơn nửa số người ở xóm này bị bệnh phổi như tôi”.

Thời gian đầu HVS đi vào hoạt động, bãi nix đã qua sử dụng ở ngay sát thôn Mỹ Giang, chỉ cách một bức tường. Năm 2003, kho chứa này được chuyển ra mỏ đá Mỹ Á (Ninh Thủy).

Tuy nhiên, nơi làm sạch vỏ tàu vẫn chỉ cách khu dân cư 500m và không có biện pháp che chắn hữu hiệu. Thôn Ninh Yển ở xa HVS hơn thôn Mỹ Giang, nhưng cũng không thoát được bụi nix.

Nếu có gió to đúng lúc HVS phun nix làm sạch vỏ tàu, cả Mỹ Giang và Ninh Yển đều hứng bụi nix. Trong khi đó, bãi nix thải tại thôn Mỹ Á nay đã lớn như một hòn núi, khoảng hơn 500.000 tấn. Lại thêm khoảng 20 hộ dân ở Mỹ Á gặp nạn ô nhiễm từ bãi nix này.   

Vẫn chưa có giải pháp được thực thi

Ngày 18/8/2005, UBND tỉnh Khánh Hòa ra QĐ số 1646/QĐ-UBND về việc lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư (KTĐC) thôn Mỹ Giang - Ninh Yển.

Tuy nhiên, vị trí KTĐC được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt lại nằm trong quy hoạch khu công nghiệp vịnh Vân Phong! Bởi vậy ngày 17/7/2006, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 1261/QĐ-UBND thay thế QĐ số 1646/QĐ-UBND, giao cho UBND huyện Ninh Hòa lập dự án đầu tư KTĐC trong năm 2006. Nơi dự kiến lập KTĐC ở phía bắc thôn Ninh Tịnh, gần nghĩa địa của xã Ninh Phước.

Ngày 7/8/2006, trong cuộc gặp ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hòa, nhiều người dân 2 thôn Mỹ Giang, Ninh Yển đề nghị địa điểm di dời khác địa điểm được chính quyền chọn, lo ngại về việc thiếu nước sinh hoạt tại KTĐC. Họ thiếu tin tưởng vào tính khả thi của dự án di dời.

Di dời và bảo đảm cuộc sống ổn định cho 791 hộ, hơn 3.000 người của hai thôn Mỹ Giang và Ninh Yển là một điều cực kỳ phức tạp. UBND huyện Ninh Hoà có đủ năng lực đảm đương?

Ông Lê Tài ở thôn Mỹ Giang và nhiều người khác đặt câu hỏi, HVS gây ô nhiễm, tại sao không buộc họ khắc phục, lại bắt dân phải di dời? UBND huyện Ninh Hòa từng dự toán, kinh phí để thực hiện dự án di dời hai thôn khoảng 350 tỷ đồng.

Đây là một khoản tiền không nhỏ. Đáng chú ý, theo QĐ số 1261/QĐ-UBND nguồn kinh phí này là từ ngân sách tỉnh, HVS chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Chưa kể, núi nix đã qua sử dụng ở Mỹ Á ngày một lớn thêm nhưng HVS không thực hiện một biện pháp xử lý nào có lợi cho cuộc sống của người dân quanh đó, cho môi trường.

Có thể thấy, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa kiên quyết buộc HVS phải chịu trách nhiệm tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vấn đề do chính HVS gây ra. Một sự nhún nhường đáng ngạc nhiên.  

MỚI - NÓNG