Sôi động lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có từ hơn 400 năm trước

TPO - Chiều 11/3, đông đảo người dân cùng du khách thập phương về dự lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn, tại di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước).
Sôi động lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có từ hơn 400 năm trước ảnh 1

Người dân cùng du khách về dự lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. Ảnh: Trương Định.

Ông Nguyễn Hùng Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) cho hay Chùa Bà đã trở thành tín ngưỡng chung của cả người Việt và các cộng đồng dân tộc từ những năm cuối thế kỷ 16. Lúc này, khách thập phương lui tới chùa đông đảo hơn, hình thức tín ngưỡng cũng dần lớn lên. Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn dần hình thành.

Theo ông Tân, tên gọi Nước Mặn xuất hiện vào đầu thế kỷ 17, là một địa chỉ nằm trên con đường tơ lụa trên biển, kết nối với một số trung tâm thương mại quốc tế. Bản đồ vẽ vào năm 1608, con đường tơ lụa trên biển có hai địa danh được thương nhân nước ngoài thường đến buôn bán là Thị Nại - Nước Mặn và Hải Phố - Hội An.

Sôi động lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có từ hơn 400 năm trước ảnh 2

Đông đảo người dân, du khách về dự lễ hội. Ảnh: Trương Định.

Trong các thương cảng ở Đàng Trong lúc bấy giờ, thì thuyền buôn các nước phương Tây, và một số nước khác đến buôn bán tại Thị Nại - Nước Mặn khá tấp nập.

Lễ hội đã trở thành một hoạt động văn hóa tín ngưỡng quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Vì lý do chiến tranh và nhiều vấn đề liên quan, lễ hội được khôi phục trong vòng hơn 20 năm qua.

Cho đến nay, lễ hội được tổ chức hàng năm, song đã có sự đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với sự đổi mới kinh tế - xã hội. Lễ hội là một hồi ức về cảng thị lớn nhất phủ Quy Nhơn thuở trước.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đã được kiểm kê, thiết lập hồ sơ khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh và đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 4/8/2022.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước chia sẻ, việc lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được ghi danh đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này. Khẳng định vai trò lịch sử và văn hóa của Cảng thị Nước Mặn trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị sáng tạo, khai hoang và thể hiện niềm tín ngưỡng trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

Sôi động lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có từ hơn 400 năm trước ảnh 3

Ông Huỳnh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đánh trống khai mạc lễ hội. Ảnh: Trương Định.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ thực hiện theo nghi thức dân gian, gồm lễ nghinh thần rước sắc - rước biểu trưng Ngư – tiều - canh - mục, lễ cầu an, lễ tế Bà.

Phần hội với các hoạt động như đánh bài chòi cổ, hát lễ, hát tuồng, thi đấu bóng chuyền, trò chơi dân gian…

Sôi động lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có từ hơn 400 năm trước ảnh 4

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn hơn 400 năm ở Bình Định. Ảnh: Trương Định.

Sôi động lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có từ hơn 400 năm trước ảnh 5
Thực hiện nghi lễ tại Chùa Bà . Ảnh: Trương Định.
Sôi động lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có từ hơn 400 năm trước ảnh 6

Đông đảo người dân, du khách đến dự lễ và vào chùa dâng hương. Ảnh: Trương Định.

Sôi động lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có từ hơn 400 năm trước ảnh 7

Người dân buôn bán tại lễ hội. Ảnh: Trương Định.

Tin liên quan