Cá đuối (Myliobatoidei). Với hơn 30 năm kinh nghiệm câu cá, Jeremy Wade đi khắp thế giới để khám phá những con cá nước ngọt kỳ lạ nhất. Khó bắt gặp hơn cá biển do sống ở nơi tối tăm, ít ánh sáng chiếu tới, nhiều quái ngư trong bộ sưu tập của Wade được bắt lần đầu tiên trước ống kính máy quay. Wade chia sẻ với All that is interesting về trải nghiệm săn tìm cá hiếm của mình. "Tôi bắt được con cá này ở Argentina, trên sông Paraná. Cá đuối nhìn chung không gây tử vong, trừ khi bạn dẫm lên mình, chúng sẽ đâm vào chân bạn. Đó đơn thuần là bản năng tự vệ. Như bạn thấy, chúng khá giỏi ngụy trang". "Tôi ước tính trọng lượng của con cá này khoảng 127 kg. Nó là con cá khiến tôi mất nhiều thời gian nhất để chinh phục nhất với gần 4 giờ vật lộn. Không có kỹ xảo nào để bắt cá đuối, bạn chỉ cần dùng một đồ vật thật nặng và cố đập vỡ gai độc bên dưới cơ thể nó".
Cá hổ Congo (Hydrocynus goliath). "Tôi tìm thấy con cá này ở phần giữa hệ thống sông Congo, nơi ít người ở thế giới bên ngoài ghé thăm, do đó phần lớn mọi người không biết về nó. Nó có họ hàng với cá piranha. Thực sự, nó là một con cá piranha khổng lồ, có thể phát triển tới kích thước bằng một người lớn. Răng của con cá này dài ba centimet, bằng cỡ răng của một con cá mập trắng lớn nặng 454 kg".
Cá chình hoa (Anguilla marmorata). "Con cá này được bắt ở Fiji. Cá chình rất thú vị. Chúng là một trong số ít loài cá có thể sống ở cả vùng nước ngọt và nước mặn, di cư qua lại giữa hai nơi. Nhiều người biết cá hồi bơi vào sông để đẻ trứng, cá chình nước ngọt làm ngược lại. Chúng sống ở sông nhưng bơi ra biển để đẻ trứng. Không ai biết rõ nơi chúng tới". "Có tin đồn cá chình hoa vồ người, đó là lý do tôi tới đó để tìm hiểu. Tôi nghĩ chúng có thể vồ người, nhưng nhiều loài cá hành động như vậy vì không biết sinh vật chúng động tới là con người. Nếu không có tầm nhìn tốt trong nước, chúng chỉ thấy có thứ gì đó ở trước mặt và tưởng nhầm là con cá nhỏ. Đôi khi, đó có thể là bàn chân của ai đấy, nhưng chúng không hề biết trước".
Cá đao răng lớn (Pristidae). "Đây là một con cá đao răng lớn sinh sống ở vùng nước ngọt. Nó dài 2,1 mét và chưa thành niên. Loài cá này có thể dài tới 6 m, nhưng những con trưởng thành chưa từng được bắt gặp vì chúng sống ngoài biển. Tôi bắt con cá này ở West Australia. Cá đao răng lớn từng phân bố rộng rãi khắp thế giới, nhưng số lượng của chúng sụt giảm nhanh chóng bởi chúng rất dễ mắc vào lưới đánh cá. Thay vì mất công gỡ con cá, những ngư dân thường chọn cách giết luôn chúng".
Cá trống nước ngọt (Aplodinotus grunniens). "Loài cá này sinh sống ở Guyana, ở rìa phía bắc của Nam Mỹ. Chúng phát ra tiếng lầm rầm dưới nước, âm thanh lạ lùng chỉ xếp sau tiếng khỉ rú. Nếu ở trên thuyền mà nghe thấy âm thanh này, bạn sẽ có cảm tưởng giống như ở trên ấm nước sôi và có thể cho rằng bản thân đang gặp ảo giác".
Cá chiên sông (Bagarius yarrelli). "Loài cá này đến từ Ấn Độ, sống dưới chân dãy Himalaya, ở một phụ lưu của sông Hằng. Tôi từng nghe chuyện về những người biến mất vì bị vật lạ kéo xuống nước. Ở đó không có cá sấu, trăn, cá heo sông hay cá mập trâu, do đó loài cá này là ứng cử viên nhiều khả năng nhất". "Nước sông rất nhiều bùn, vì vậy những con cá này chộp lấy bất cứ thứ gì chuyển động trước mặt chúng. Chúng sẽ ngoạm lấy vật đó, sau đó xoay người và lặn sâu xuống dưới nước. Bạn sẽ không dễ dàng thoát khỏi miệng cá chiên sông vì khác với các loài cũng thuộc họ cá da trơn, chúng có những chiếc răng rất dài và nhọn cùng với phần hàm chắc khỏe".
Cá hô (Catlocarpio siamensis). "Đây là loài cá có nguồn gốc từ Thái Lan. Thông thường, miệng cá hô trễ xuống do chúng đón thức ăn ở đáy sông, nhưng con cá này như thể có chiếc miệng lộn ngược, bằng chứng chỉ ra nó kiếm ăn ở giữa dòng nước, hoặc có thể ở mặt nước. Cá hô rất lớn, chúng có phát triển tới hơn 70 kg".
Cá mút đá (Petromyzontiformes). "Con cá này sống ở hồ Champlain tiếp giáp bang Vermont và New York, Mỹ. Đây là loài cá nguyên thủy. Nó không có xương sống và hàm răng, chỉ có miệng hút với những vòng răng bên trong. Ở giữa miệng hút là một chiếc lưỡi và trên lưỡi cũng có răng. Chúng thường kiếm ăn bằng cách bám vào da của loài cá khác và hút dịch lỏng trong cơ thể". "Tôi từng để một con cá mút đá bám vào cổ để trải nghiệm cảm giác đó. Phần miệng hút của nó rất khỏe và chỉ hai giây sau, những chiếc răng bắt đầu đâm qua da bạn. Khi bạn kéo nó ra, bạn sẽ mất cả mảng da".
Cá hổ nước (Salminus brasiliensis). "Tôi bắt con cá ở con sông nằm giữa Argentina và Uruguay. Chúng có hàm răng cùng cơ hàm rất lớn và khỏe. Tại đó, chúng tôi tìm hiểu câu chuyện về một thanh niên trẻ bị mất một phần tinh hoàn và loài cá này chắc chắn là thủ phạm. Một lần nữa, tôi phải khẳng định con vật không có ý định tấn công mà do tầm nhìn kém. Khi thấy thứ gì đó chuyển động dưới nước, nó chỉ đơn giản là lao đến cắn".
Cá vây tia (Lepisosteus osseus). "Loài cá này sống ở hồ Champlain. Chúng là loài cá rất cổ. Chúng có thể ngoi lên mặt nước và nuốt không khí, điều này cho phép chúng sống ở vùng nước ít dưỡng khí. Đây là cơ chế sinh tồn giúp chúng sống ở các điều kiện mà những loài cá khác không sống được. Chúng không nguy hiểm đối với con người, nhưng ở Mỹ có một loài cá vây tia lớn hơn tên Alligator Gar nặng ít nhất 136 kg và thường có tin đồn về những nạn nhân bị cắn".
Cá mú Queensland (Epinephelus lanceolatus). "Tôi đang săn cá mập trâu và vô tình bắt nhầm con cá này ở cửa sông Brisbane, Australia. Cá mú là một trong những loài có thể chuyển giới từ cái sang đực. Trong trường hợp có một con đực và nhiều con cái, nếu con đực bị bắt đi hoặc qua đời, con cái lớn nhất sẽ trở thành con đực".
Cá nheo châu Âu (Silurus glanis). "Loài cá này sống ở châu Âu và tôi bắt con cá trong ảnh ở Tây Ban Nha. Nó nặng 73 kg và dài 2,1 mét. Vết cắn của nó rất dễ nhận biết do những chiếc răng nhỏ nằm gần nhau tạo thành một đường hơi cong dài khoảng 25 cm. Điều thú vị về loài cá này là chúng cắn người ngay cả khi nước trong và chúng biết rõ có người ở đó. Lý do là bởi chúng bảo vệ tổ rất kỹ. Nếu ai đó bơi quá gần tổ, chúng sẽ cắn để cảnh báo họ. Với các nạn nhân, trải nghiệm khá đáng sợ do bị đau và bất ngờ".
Kỳ giông khổng lồ Nhật Bản (Andrias japonicus). "Tôi bắt con kỳ giông trên sông Kamo ở Nhật Bản. Tôi túm chặt đuôi nó nhưng nó rất dẻo dai, khiến tôi lo ngại nó sẽ ngoảnh lại và cắn tôi. Loài này có răng cực sắc và vết cắn gây khó chịu. Bạn không nên quấy rầy chúng vì chúng rất hiếm. Tại đây, tôi đang giúp một nhà khoa học gắn nhãn trên kỳ giông".