Tại TPHCM, địa phương này có lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển kể từ 13h ngày 23/11 cho đến khi có lệnh mới. TPHCM dự kiến di dời, sơ tán khoảng hơn 100.000 hộ với khoảng hơn 500.000 người. Ghi nhận của phóng viên chiều 23/11 tại huyện đảo Cần Giờ, TPHCM, tàu thuyền đã nhận được lệnh vào khu vực neo đậu tránh bão. Các chủ tàu thuyền cũng di dời những máy móc, trang thiết bị có giá trị lên bờ đề phòng khi bão đổ bộ gây sóng lớn.
Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết, đã sẵn sàng phương án di dời hơn 4.000 người dân ở các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng nặng của bão đến nơi an toàn. Trong đó, xã đảo Thạnh An sẵn sàng sơ tán tại chỗ hơn 500 người. Hiện địa phương cũng đã hoàn tất công tác chằng chống nhà cho người dân trong vùng ảnh hưởng. Các thành viên Ban Chỉ huy, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ, Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn thuộc huyện tổ chức trực ban 24/24 theo dõi tình hình diễn biến của bão số 9 để kịp thời ứng phó.
Tại Bình Thuận, UBND tỉnh này đã nghiêm cấm tàu thuyền, các phương tiện vận tải ra biển từ 16 h ngày 22/11. Lực lượng Biên phòng địa phương triển khai lực lượng cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn huyện đảo Phú Quý giúp dân đưa các thuyền nhỏ lên bờ và chằng chống nhà cửa tại các khu vực xung yếu. Hiện 1.073 lồng bè nuôi thủy sản đã được chằng buộc an toàn. Dự kiến 193 hộ với 934 nhân khẩu sẽ được di dời khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Cùng ngày, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận đã cho học sinh nghỉ học, dừng các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường để tránh cơn bão số 9.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương rà soát lại, chủ động bảo đảm, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, không để bất ngờ; giao các sở ngành, địa phương bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, hướng dẫn cho ngư dân, các chủ phương tiện chủ động phòng tránh.
Tại Bình Định, từ 23/11, nhiều ngư dân đã tập trung thuyền về nơi neo đậu tại khu Cảng cá Quy Nhơn để tránh bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, ngành chức năng chủ động ứng phó với bão.
Tại Khánh Hòa, ngay sau khi UBND tỉnh này phát đi thông báo di dời hộ dân ở các điểm xung yếu, nhiều người dân đã gấp rút việc phòng tránh bão. Các hộ ở phường Vĩnh Hòa và Phước Đồng- nơi chịu thiệt hại nặng nề sau trận lũ ngày 18/11 còn huy động các xe kéo chở bao tải cát cỡ lớn để gia cố nhà cửa. Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà cho biết, sau cuộc họp chuẩn bị cho công tác phòng chống bão số 9, lãnh đạo phường đã tích cực vận động và trợ giúp người dân gia cố nơi ở, cố gắng hết sức để không xảy ra thiệt hại, đặc biệt là đảm bảo an toàn về người. Hiện Khánh Hòa còn 910 địa điểm xung yếu, nếu bão đổ bộ phải sơ tán 280.000 dân và hơn 40.000 lồng bè.