Sợ sai, doanh nghiệp sao thoát khỏi bĩ cực?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước thực tế một số cán bộ có biểu hiện sợ sai, khiến công việc đình trệ, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề rơi vào cơn bĩ cực, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển...

Chưa bao giờ, số doanh nghiệp giải thể trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) cao như hiện nay. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, quý I/2023, số doanh nghiệp xây dựng giải thể tăng 30%; doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 61%; có tới 30-50% sàn giao dịch địa ốc đóng cửa, tạm dừng hoạt động so với cuối năm 2022. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ vướng mắc pháp lý và tắc nghẽn nguồn vốn.

Bốn tháng đầu năm, cả nước có 77 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình, 19.200 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng. Trong khi đó, ở thời đỉnh dịch, năm 2021, mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui. Những con số này phần nào cho thấy, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay thậm chí còn lớn hơn cơn bĩ cực thời dịch bệnh.

Một giám đốc doanh nghiệp địa ốc Hà Nội rơi vào trầm cảm khi cả doanh nghiệp mình chỉ còn lại 2 người (giám đốc và kế toán). Đơn vị này đầu tư 4-5 dự án với các phân khúc chung cư, liền kề, đất nền. Tiền đã “rót” hàng trăm tỷ đồng vào dự án nhưng vướng mắc pháp lý, không bán được hàng.

Mới đây, trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau khi thành lập, Tổ công tác gỡ vướng các dự án ở Đồng Nai đã hướng dẫn địa phương gỡ cho từng dự án. Cái gì thuộc thẩm quyền địa phương họ sẽ giải quyết, còn nội dung liên quan đến quy hoạch đã được báo cáo Thủ tướng.

“Tổ công tác đã chỉ ra những thẩm quyền của địa phương như tiền sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Riêng nội dung liên quan quy hoạch, đã báo cáo Thủ tướng. Hiện tại, các bộ đã cho ý kiến. Việc liên quan đến pháp lý sẽ được xử lý rất nhanh trong thời gian tới. Bộ Xây dựng cũng đang đôn đốc các địa phương khác. Riêng tại TPHCM, bộ cùng địa phương rà soát hàng trăm dự án, vì liên quan đến nhiều giai đoạn. Chưa bao giờ Thủ tướng cử các bộ trưởng đi đôn đốc địa phương về gỡ vướng pháp lý các dự án như hiện nay. Theo đó, mỗi bộ trưởng phụ trách 3 địa phương”, ông Sinh nói.

Sợ sai, doanh nghiệp sao thoát khỏi bĩ cực? ảnh 1

Dự án của doanh nghiệp bất động sản chờ giải cứu Ảnh: Như Ý

Ngoài vấn đề pháp lý, theo ông Sinh, trước mắt, Bộ Tài chính gỡ khó về trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước cho vay và lãi suất giảm. Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng, còn lại phụ thuộc vào các dự án được phê duyệt về pháp lý mới đủ điều kiện vay.

Bốn tháng đầu năm, cả nước có 77 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này phần nào cho thấy, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay thậm chí còn lớn hơn cơn bĩ cực thời dịch bệnh.

Cần lắng nghe, gỡ khó cho doanh nghiệp

Không chỉ ngành xây dựng, vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu điêu đứng, thua lỗ vì vướng mắc với một số quy định. Trong khi đó, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương “nhường nhau” trách nhiệm quản lý lĩnh vực xăng dầu. Đánh giá về giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xăng dầu, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trước đây, Chính phủ có nhiều tổ chuyên trách, tư vấn như tổ điều hành giá, hội đồng điều hành tiền tệ quốc gia, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng… Các tổ tư vấn lắng nghe lẫn nhau, tư vấn cho cơ quan điều hành và ra quyết định. Chính vì vậy, nếu có sự cố đứt gãy thì cũng chỉ mấy ngày thôi, sau đó quay trở lại xử lý được vấn đề.

‘Chính sách mới xây dựng xong, chưa áp dụng bao lâu hoặc chưa “ngấm” đã sửa đổi (trong đó có Nghị định 65/2022 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 95/2021 về xăng dầu) đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, doanh nghiệp và cho thấy rõ tầm nhìn chính sách hạn hẹp. Trong những lúc nước sôi, lửa bỏng của thị trường xăng dầu, thị trường trái phiếu, các bộ trưởng, trưởng ngành cần lắng nghe doanh nghiệp, lắng nghe chuyên gia, không nên tuyên bố xử phạt, dùng mệnh lệnh’, ông Cung kiến nghị.

Trong lúc doanh nghiệp kiệt quệ, khó tiếp cận các gói hỗ trợ, thì ngay cả giải pháp hỗ trợ “0 đồng” là cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cũng không thể với tới. Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của VCCI cho thấy tình trạng thiếu năng động, sợ trách nhiệm đang tồn tại ở một số địa phương trên cả nước.

Có ý kiến cho rằng việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh không được coi trọng như trước. Dù là cơ quan đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp nhưng một cán bộ của CIEM thừa nhận, vai trò, tiếng nói của CIEM, VCCI thời gian gần đây không còn được như trước.

“Trước đây, CIEM hay VCCI có tiếng nói độc lập, nỗ lực, sáng kiến rất tốt trong cải cách. Tuy nhiên, sáng kiến thời gian qua đã suy giảm so với thời kỳ trước. Trước đây, cơ quan thực thi có sự linh hoạt nhất định trong áp dụng văn bản pháp luật, theo hướng thuận tiện cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cũng vì tâm lý sợ sai, cơ quan thực thi đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ đúng tất cả văn bản pháp luật, dẫn đến việc thực hiện thủ tục hành chính phải trải qua quá nhiều khâu, ý kiến tất cả sở ngành liên quan. Quá trình này gần như không có hồi kết”, một cán bộ của CIEM lo ngại.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc sợ sai, không dám làm là căn bệnh trầm kha trong cơ chế, điều hành bộ máy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “ai sợ sai, ai bàn lùi, đứng sang một bên”. Quan trọng nhất là cơ quan chức năng phải vào cuộc. Công việc đã có nguyên tắc cụ thể, cần thực hiện đúng nguyên tắc này.

“Ví dụ, với một thủ tục hành chính, cấp chính quyền huyện trong 5 ngày phải làm nhưng không xong hoặc cán bộ lại đẩy lên cấp trên, bộ máy công quyền phải kiên quyết vào cuộc xử lý trách nhiệm. Ở góc độ người dân, doanh nghiệp phải phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc do cơ quan chức năng gây ra”, ông Long nói và lưu ý, người dân, doanh nghiệp khi phản ánh cũng lo lắng nguy cơ bị “trù dập, gây khó dễ”. Vì vậy, ông Long cho rằng, phải có cách làm khéo léo, hiệu quả như có đường dây mật điều tra, giữ kín danh tính người phản ánh để bảo vệ họ.

“Cơ quan công quyền vào cuộc, ai sợ trách nhiệm, bàn lùi đứng sang một bên. Nhưng bản thân người có trách nhiệm cũng phải có biện pháp, chế tài xử lý mạnh tay. Nếu chỉ nói không thì không giải quyết được thực trạng”, ông Long kiến nghị.

MỚI - NÓNG