Số phận đề án cấm xe máy, thu phí vào nội đô Hà Nội ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
Số phận đề án cấm xe máy, thu phí vào nội đô Hà Nội ra sao?
TPO - UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030.

Tạm dừng thực hiện đề án giao thông thông minh

Theo báo cáo, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai 8 nhiệm vụ. Đầu tiên là xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án thành phố thông minh tập trung vào những nội dung cụ thể như xây dựng cơ sở dữ liệu (số hoá) về hạ tầng giao thông, về phương tiện giao thông và các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông.

Nhiệm vụ thứ 2 là xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe.

Cùng với đó là quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu và an toàn giao thông, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Thành phố cũng thực hiện nhiệm vụ về Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào và Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Báo cáo của UBND thành phố cũng nêu sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển việc làm đảm bảo đời sống đối với thương binh có xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người đang hoạt động. Rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Tuy nhiên, theo UBND thành phố, với 3 nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, do khung kiến trúc về thành phố thông minh trong đó có giao thông thông minh chưa được xây dựng và ban hành dẫn đến những nhiệm vụ này chưa thể triển khai ngay được.

Cụ thể, đối với thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung của thành phố, đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 85 về Kế hoạch công nghệ thông tin thành phố Hà Nội năm 2020 trong xác định nhiệm vụ nghiên cứu tổ chức triển khai Trung tâm điều hành thông minh thành phố trong đó có Trung tâm giám sát, điều hành giao thông và đã giao cho Văn phòng UBND thực hiện.

Đối với 2 nhiệm vụ xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án thành phố thông minh tập trung vào những nội dung cụ thể: xây dựng cơ sở dữ liệu (số hoá) về hạ tầng giao thông, về phương tiện giao thông và các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu hoá nhu cầu đỗ xe, UBND thành phố đã có văn bản số 5278 về việc tạm dừng thực hiện. Thành phố cho biết sẽ thực hiện tiếp khi có đủ điều kiện về khung kiến trúc của thành phố thông minh và giao thông thông minh.

Đề án cấm xe máy, thu phí vào nội đô Hà Nội ra sao?

Báo cáo của UBND thành phố cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm hạn chế ùn, tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm thành phố với 2 nội dung.

Với Đề án Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, sẽ xây dựng đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện để tổ chức thực hiện trong thời điểm thích hợp; xin ý kiến của các cấp các ngành, các nhà khoa học để tổ chức triển khai thực hiện.

Với Đề án Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đo kiểm khí thải mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Tiếp tục triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm vận động người dân chấp hành luật giao thông đường bộ, từng bước tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng văn hoá giao thông thủ đô.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.